Chế độ ăn ít rau xanh khiến nhiều người dễ mắc căn bệnh nguy hiểm này?

ngày 27/04/2021

Bệnh nhân H.Q.V, 36 tuổi (Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh, không có biểu hiện triệu chứng cơ năng đặc biệt gì. Tuy vậy, bệnh nhân rất lo lắng khi đi khám sức khỏe, soi đại tràng ở nhiều cơ sở y tế lớn cho thấy đại tràng ngang có một khối lồi lớn. Trên hình ảnh nội soi ánh sáng trắng tại các bệnh viện, các bác sĩ nhận định khối lồi này có thể là một khối u có kích thước 1,5cm ở thành đại tràng và khuyến cáo bệnh nhân nên can thiệp cắt bỏ khối u.

Quá lo lắng bệnh nhân đã đi kiểm tra lại một lần nữa tại Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật. GS.TS.BS Đào Văn Long- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Nguyên trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết: "Sau khi bệnh nhân đến kiểm tra lại một lần nữa để chỉ định phẫu thuật, chúng tôi đã sử dụng công nghệ đa luồng sáng LCI/BLI để chẩn đoán. Khi bật chế độ ánh sáng lên cho thấy hình ảnh nội soi thấy khối thay đổi kích thước cho thấy bệnh nhân bị túi thừa đảo ngược mà không phải khối u.

Nếu chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối u mà lấy sinh thiết vô tình sẽ làm thủng túi thừa khi đó mà cắt thì làm hỏng đại tràng. May mắn bệnh nhân đã được chẩn đoán chính xác nhờ chẩn đoán hiện đại và sử dụng chế độ AI đem lại".

Các bác sĩ đang thực hiện nội soi cho bệnh nhân. Ảnh TG

Theo chuyên gia, túi thừa là một khiếm khuyết của thành đại tràng mà không có lớp cơ, chỉ có lớp niêm mạc và lớp thành ngoài. Vì vậy ở trên thành của túi thừa sẽ mỏng hơn các vùng đại tràng khác. Bất kỳ động tác nào như các can thiệp thăm dò đối với vị trí là u này, trong khi thực tế lại là túi thừa đảo ngược. Chỉ cần chọc vào có thể gây thủng đại tràng dẫn tới bệnh nhân phải đi mổ cấp cứu.

Túi thừa đại tràng là bệnh rất phổ biến nhưng hầu như mọi người đều không biết rằng mình có túi thừa. Bệnh hay gặp ở những người có khẩu phần ăn ít rau, ít chất xơ, nhiều dầu mỡ, táo bón, béo phì, ít vận động… làm tăng áp lực trong lòng đại tràng. Ngoài ra, một số người lạm dụng thuốc như Corticoide, thuốc kháng viêm không steroides…cũng làm tăng nguy mắc bệnh.

Để phòng tránh bệnh, mọi người cần chú ý có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học và hợp lý. Cần tăng cường bổ sung chất xơ từ lúa mì, ngũ cốc và nhiều loại thực phẩm khác sẽ khiến phân mềm hơn, giảm áp lực của lòng ruột trong quá trình tiêu hóa. Tránh ăn các thực phẩm có dạng hạt nhỏ để làm giảm nguy cơ chúng đọng lại túi thừa gây viêm như hạt vừng, hạt trong các loại quả dưa chuột, ổi, cà chua…; Duy trì uống nước đầy đủ và thói quen luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt trong lòng túi, về lâu dần đóng thành cục đá phân làm nghẹt lòng túi thừa và ép vách túi thừa, làm vi trùng phát triển mạnh gây viêm. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như thủng túi thừa gây viêm phúc mạc, chảy máu túi thừa, áp xe túi thừa, viêm phúc mạc do viêm túi thừa vỡ… Bởi vậy khi người bệnh có những dấu hiệu như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, bón, sốt, đi cầu ra máu… không nên chủ quan.

Mọi người cần đi khám, xét nghiệm máu, chụp MSCT bụng để có chẩn đoán, điều trị thích hợp. Hiện soi đại tràng là biện pháp đơn giản giúp nhìn trực tiếp hình ảnh túi thừa, phát hiện được các bệnh lý kèm theo của đại trực tràng.

Việc tự ý mua thuốc uống khi có những biểu hiện đau rất nguy hiểm dễ biến chứng viêm túi thừa vỡ, tạo áp xe ổ bụng. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng không cấp cứu kịp có thể nguy hiểm tính mạng.

Nguồn GĐ&XH