Phát hiện nguyên nhân gây bệnh ung thư?

ngày 11/12/2019

Những kẻ sống chung nguy hiểm

Từ trước đến nay, những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư vẫn được xác định là hút thuốc; chế độ ăn uống không lành mạnh; hay tác động của những tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Nhiễm trùng hiện đang đứng vị trí thứ ba trong danh sách các yếu tố dẫn đầu làm các khối u phát triển, là thủ phạm của khoảng 10% cái chết do căn bệnh ung thư.

Trên bề mặt da cũng như trong cơ thể con người là nơi sinh sống của hàng triệu các vi sinh vật, tạo ra cái gọi là một hệ vi khuẩn. Hệ vi khuẩn này có tác động bảo vệ sức khỏe con người, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây ra sự hình thành của một loạt bệnh tật, kể cả ung thư.

Đóng vai trò quan trọng bảo vệ trước các tác động tiêu cực của vi khuẩn chính là lớp niêm mạc bao phủ bề mặt bên trong của các cơ quan tiêu hóa, hô hấp và nhiều cơ quan khác. Lớp này có thành phần là các glycoprotein - một dạng hợp chất có thể xâm nhập các màng tế bào biểu mô. Những phân tử này giúp tạo ra lớp bảo vệ hữu hiệu cho cơ thể.

Mức độ của các glycoprotein của niêm mạc sẽ xác định mức độ bảo vệ trước các loại nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong thời gian lây nhiễm có thể diễn ra những biến đổi trong các glycoprotein, phá hủy môi trường vi sinh ổn định, dẫn tới nhiễm trùng và viêm nhiễm.

Hình ảnh tế bào ung thư.

Người bảo vệ và kẻ thù

Trong các khối u thường ghi nhận sự dư thừa các mucin (một loại glycoprotein cao phân tử). Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ đang tập trung xem xét một loại trong số này là glycoprotein MUC1 - đang được đánh giá là một trong những mục tiêu nghiên cứu hứa hẹn nhất để chế ra vaccine ngừa ung thư. MUC1 là mucin đầu tiên được làm rõ về cấu trúc phân tử. Nó bao gồm các tế bào của tuyến tụy, tuyến vú, phổi, dạ dày và gan. Về cơ bản, MUC1 đóng vai trò là một rào chắn ngăn chặn bệnh tật, cảnh báo và tác động lên quá trình trao đổi chất của tế bào.

Nhưng khi phần bên ngoài của MUC1 liên kết với vi khuẩn có thể dẫn tới việc phân tách bên trong, làm nảy sinh một loạt các tiến trình khác nhau: tổng hợp các yếu tố trung gian gây viêm nhiễm, liên kết các tế bào viêm nhiễm dẫn tới cái chết của chúng. Khác với virus, vi khuẩn hiện vẫn chưa được xem là một nguyên nhân chính của các căn bệnh ung thư. Chỉ có một vài vi khuẩn cho thấy, chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của các khối u ác tính qua việc gây viêm nhiễm, tiết ra chất độc, các chất chuyển hóa ADN có hại và phá hủy các đường truyền tín hiệu của các tế bào.

Hiện đã xác định rõ 2 trường hợp lây nhiễm vi khuẩn phổ biến có thể gây ra ung thư. Đó là Helicobacter pylori (gây ra ung thư dạ dày và ung thư hạch) và Salmonella typhi (liên quan ung thư biểu bì, túi mật). Ngoài ra, còn có thể có một số nhiễm trùng khác được đánh giá có nguy cơ cao, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ.

Những mối đe dọa chính

Campylobacter jejunihiện là một trong những nguyên nhân thường xuyên nhất của các chứng nhiễm độc do vi khuẩn, với tác nhân gây bệnh là loại vi khuẩn Campylobacter. Vi khuẩn này xâm nhập qua hệ tiêu hóa gây ra chứng viêm dạ dày ruột. Dù đang có nhiều nghi ngờ nhưng vẫn chưa thể làm rõ Campylobacter có gây ra ung thư hay không.

Riêng tình trạng nhiễm khuẩn kinh niên đối với loại vi khuẩn Helicobacter pylori được khẳng định có thể dẫn tới các vết loét và ung thư. Còn loại vi trùng Haemophilus influenzaelại là thủ phạm gây nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có cả bệnh viêm phổi. Người ta thường ghi nhận loại vi trùng này trong các chứng bệnh phổi mãn tính, một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Người ta chứng minh được, sự tác động qua lại của vi trùng với MUC1 gây ra thay đổi trong cơ chế điều hành các thụ thể đặc trưng, khiến chúng lại quay sang đẩy nhanh tiến trình của bệnh ung thư biểu mô ở phổi.

Còn một thủ phạm tiềm tàng nữa làm hình thành các khối u chính là loại trực khuẩn Escherichia coli trong ruột, là tác nhân gây ra các bệnh về ruột. Kết hợp của trực khuẩn này với MUC1 sẽ gây ra viêm nhiễm, có thể dẫn tới ung thư đại trực tràng, ung thư bàng quang... dù chưa thể chứng minh rõ ràng.

Những kẻ gây hại khác

Trong số các loại virus có thể gây ra ung thư đáng chú ý phải kể tới Epstein–Barr và Papilloma. Loại đầu tiên thường liên quan tới ung thư biểu bì (ung thư mũi hầu), ung thư limpho các loại và ung thư dạ dày. Loại thứ hai có thể gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư cơ quan sinh dục... Nếu xét nghiệm không có loại virus này, ung thư cổ tử cung sẽ không phát triển, đồng nghĩa với việc căn bệnh có liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng mãn tính. Tất nhiên phải nhắc tới virus viêm gan thường là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan.

Liên quan tới các ký sinh trùng, bệnh ung thư có thể hình thành bởi loại sán máng Weinland, xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiểu. Loại này kích thích sự phát triển của ung thư bàng quang, được xếp vào nguyên nhân lớn thứ hai gây ra căn bệnh này.

Cách phòng vệ

Trước đây, các nhà nghiên cứu từ Hội Ung thư của Mỹ (ACS) đã đi đến kết luận, nguyên nhân của cả nửa số trường hợp mắc bệnh ung thư chính là phong cách sống không lành mạnh. Nói chung, các yếu tố bên ngoài môi trường là thủ phạm của khoảng một nửa ca mắc bệnh ung thư, còn lại là những yếu tố di truyền, những trường hợp đột biến ngẫu nhiên trong ADN không thể kiểm soát.

Phần lớn các yếu tố tác động đầu tiên đều có thể chủ động loại trừ, còn một số khác có thể giảm tới mức tối thiểu. Những biện pháp phổ biến được nêu ra là duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục, không hút thuốc, uống rượu bia, tránh các tác động lâu dài của ánh mặt trời hay tiếp xúc với các chất hóa học gây ô nhiễm.

Với những phát hiện mới trên, giờ đây các nhà khoa học đã thêm lời khuyên nên bổ sung các biện pháp tiêm phòng và một số biện pháp khác để có thể ngăn ngừa hữu hiệu các chứng bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng.


Nguồn: Báo ANTG