Người đàn ông bị nhồi máu não do tự ý ngừng thuốc

ngày 07/04/2021

Bệnh nhân V.M.H đang được điều trị tại BV đa khoa tỉnh Cao Bằng

Ngày 5/4 Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân V.M.H (59 tuổi, trú tại Phường Sông Hiến, thành Phố Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng tê yếu tay trái, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp đo được là 230/100mmHg.

Theo lời người nhà kể bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp được phát hiện cách đây 1 năm không dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu. Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu não/Tăng huyết áp.

Đáng ngại, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ khoa cấp cứu phát hiện dù bệnh nhân đã được khám, chẩn đoán tăng huyết áp nhưng chưa làm sổ mãn tính để điều trị ngoại trú. Thậm chí được người nhà đưa đi khám lấy thuốc nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị vì chủ quan thấy bản thân không có biểu hiện gì bất thường. Do đó, sau thời gian dùng thuốc thấy huyết áp trở về bình thường nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên bỏ thuốc.

Không chỉ bỏ thuốc, gần đây bệnh nhân đã ăn uống không điều độ, có hút thuốc lá nhiều, sử dụng rượu bia dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Tổng Thư Ký Hội Tim Mạch Học Việt Nam, các thuốc hạ huyết áp chỉ có tác dụng khi bạn dùng thuốc và sẽ hết khi bạn ngừng. Do vậy, bệnh nhân đã được chẩn đoán tăng huyết áp không được ngừng thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm bình thường. Việc điều trị cần phải được duy trì lâu dài để đạt được tác dụng tốt, tránh được các biến chứng.

Bệnh nhân không nên lo lắng nếu phải dùng thuốc lâu dài, vì với liều điều trị, thuốc hạ áp sẽ giữ cho huyết áp bạn ổn định, đưa bạn về cuộc sống gần bình thường và thường không làm huyết áp của bệnh nhân bị tụt thấp đến mức nguy hiểm.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng khuyến cáo, bệnh nhân tăng huyết áp mà dừng thuốc đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu não do hẹp, tắc mạch máu não hoặc do hạ huyết áp.

Thiếu máu não không được khắc phục hoặc kéo dài thì phần não đó sẽ bị hoại tử do thiếu oxy và glucose, vùng não bị hoại tử do thiếu sự cung cấp máu này được gọi là nhồi máu não. Mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ và tùy vị trí vùng xuất huyết.

Do đó, các bác sĩ khoa cấp cứu, BV đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, người bệnh tăng huyết áp không nên tự ý tăng, giảm hoặc ngưng dùng thuốc. Việc tự điều chỉnh liều dùng là vô cùng nguy hiểm. Nhiều người bệnh sau khi dùng thuốc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc hay khi thấy huyết áp đã trở về mức bình thường thì tự ý giảm liều dùng, thậm chí là ngưng sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, khi uống thuốc không đủ liều hay không uống thuốc, huyết áp có thể đột ngột tăng cao gây ra đột quỵ do các biến chứng. Hoặc có những bệnh nhân uống thuốc mãi mà huyết áp vẫn cao nên đã tự ý tăng liều, uống thuốc quá liều có thể làm tăng nguy cơ khiến người bệnh bị tác dụng phụ của thuốc như ho, khó thở, mất ngủ… hay bị tụt huyết áp quá mức, thậm chí có thể gây trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng, việc tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ là điều quan trọng trong việc điều trị cao huyết áp.

Qua trường hợp như trên các bác sĩ đưa ra khuyến cáo cho các bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp thực hiện những việc đơn giản sau đây: bỏ hút thuốc lá, không uống rượu, có chế độ ăn uống để giảm thể trạng, tốt nhất là 10% trọng lượng cơ thể. Luyện tập thể dục điều đặn, ít nhất 30 phút/ngày, hạn chế những áp lực cuộc sống.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, giảm muối đồng thời ăn nhiều trái cây và rau xanh, giàu Kali và Canxi. người bị bệnh tăng huyết áp cần được khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, liên tục theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nguồn Infonet