Tại sao bạn nên hạn chế sử dụng đồ ăn vặt?

ngày 28/02/2022

Dưới đây là 8 mối nguy to lớn mà thức ăn vặt có thể tạo ra cho sức khỏe, bạn nên biết.

Chất gây nghiện

Đồ ăn vặt được cho là một chất gây nghiện bởi chúng chủ yếu tập trung vào đường và chất béo. Đường có thể kích thích não giống nhưcocaine và những loại thuốc khác. Tuy nhiên nếu chúng xuất hiện độc lập sẽ không có khả năng gây nghiện như khi kết hợp cùng với chất béo. Sự kết hợp giữa đường và chất béo khiến người dùng khó có thể cưỡng lại được.

Bên cạnh đó trên nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau, các nhà y học đã phát hiện ra rằng sự kết hợp giữa chất béo và đường thường tạo nên những triệu chứng gây nghiện như: Rút hoặc hoàn toàn mất kiểm soát tiêu thụ, tăng cảm giác thèm ăn, kích thích trung tâm hình thành thói quen… Điều này sẽ khiến bạn tiêu thụ quá nhiều thức ăn vặt và dẫn đến tình trạng tăng cân.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Tiêu diệt các lợi khuẩn trong ruột, kích hoạt tình trạng viêm

Thức ăn vặt có khả năng phá vỡ sự cân bằng lành mạnh trong đường ruột bằng cách giết chết các lợi khuẩn trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chế độ ăn uống chứa các sản phẩm động vật, rượu và đường đang tàn phá sức khỏe đường ruột. Như trong một nghiên cứu tiến hành trên 1.425 người, các chuyên gia phát hiện có mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn (bao gồm thịt, nước ngọt, thức ăn nhanh) và các hại khuẩn. Khi ăn uống thiếu chất xơ, hại khuẩn sẽ chuyển sang xem lớp niêm mạc ruột như là thức ăn, dẫn đến giảm tính toàn vẹn của ruột.

Không chỉ vậy, thức ăn vặt chế biến sẵn và từ động vật còn có liên quan với các vi khuẩn làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Những vi khuẩn này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như béo phì, tiểu đường, bệnh tim, ung thư và Alzheimer.

Béo phì

Thông thường đồ ăn vặt sẽ làm bạn có cảm giác không no bụng. Nhất là đối với những loại thực phẩm chứa calo lỏng như cà phê sữa, đồ uống cho người thường xuyên tập luyện thể thao, soda. Trong đó cà phê hoặc cà phê sữa là thức uống có khả năng cung cấp hàng trăm calo mà không làm ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bạn. Điều này khiến bạn không thể kiểm soát khả năng ăn uống dẫn đến tình trạng béo phì. Đây cũng là nguyên nhân chính liên quan đến việc tăng cân ở người lớn và cả trẻ em.

Bệnh tim

Lượng đường có trong đồ ăn vặt nói riêng và những loại thực phẩm nói chung đều có thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển của bệnh tim – một bệnh lý có khả năng gây tử vong cao. Bên cạnh đó, lượng đường bổ sung còn có khả năng làm tăng một loại chất béo cụ thể trong máu của người bệnh (được gọi là triglyceride). Đồng thời tác động và làm tăng huyết áp. Cả hai đều là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim.

Ngoài ra trong nhiều cuộc nghiên cứu các nhà y học đã chỉ ra rằng việc thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh cũng có khả năng làm tăng lượng triglyceride trong máu và làm giảm lượng cholesterol HDL có lợi. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

Bệnh tiểu đường loại 2

Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể của bạn không xuất hiện phản ứng với tác dụng của insulin, hormone làm giảm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, tình trạng huyết áp cao, lượng cholesterol HDL (tốt) thấp, mỡ cơ thể dư thừa (hình thành khi tiêu thụ đồ ăn vật hoặc những loại thực phẩm có hại khác), bệnh tim…. cũng là nguyên nhân chính hình thành nên bệnh tiểu đường loại 2.

Tăng nguy cơ tử vong sớm

Các nhà khoa học Ý cảnh báo việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm chế biến quá kỹ - bao gồm khoai tây chiên và thức uống chứa đường - có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong sớm, đặc biệt là vì bệnh tim. Kết luận này được nhóm nghiên cứu đưa ra sau khi theo dõi thói quen ăn uống và sức khỏe của 22.000 người trong 8 năm. Theo đó, việc thường xuyên ăn các thực phẩm chế biến quá kỹ khiến nguy cơ tử vong của một người tăng 25%, trong đó nguy cơ chết vì bệnh tim mạch tăng 58%.

Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp

Các chuyên gia cho biết chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, nhiều tinh bột - đường có thể khiến sụn bị thoái hóa nhanh hơn, đặc biệt là ở đầu gối và hông. Hàm lượng chất béo bão hòa cao - thường có trong các phụ gia thực phẩm như bơ, dầu dừa, dầu cọ và mỡ động vật - khiến phần sụn trong các khớp xương nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, lượng axít béo bão hòa tích tụ trong sụn cũng làm thay đổi quá trình trao đổi chất và làm suy yếu sụn. Tình trạng đó dẫn đến đau xương khớp do mất tác dụng đệm của sụn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nói rằng ngay cả phần xương dưới sụn cũng bị thay đổi tiêu cực vì chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa.

Ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ em

Ngoài tổn hại đến sức khỏe tim mạch hoặc làm tăng nguy cơ béo phì, các nhà khoa học phát hiện thức ăn vặt chế biến sẵn, chứa nhiều đường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe xương ở những trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Cụ thể, dù chỉ ăn ở lượng nhỏ, những thực phẩm này cũng có thể làm chậm sự phát triển của khung xương và khiến xương trẻ yếu hơn. Trong thử nghiệm trước đó, các nhà nghiên cứu đã nuôi chuột với thức ăn chứa nhiều chất béo và đường, cùng với rất nhiều phụ gia. Kết quả cho thấy tình trạng tổn thương các đĩa sụn tiếp hợp ở những con chuột này có thể so sánh với xu hướng phát triển xương mới ở trẻ đang trong giai đoạn phát triển hệ xương. Và ngay cả khi giảm lượng chất béo, tinh bột - đường, nitrat và các chất độc hại khác, những thực phẩm này vẫn có các tác động gây hại khác tới sức khỏe.

Theo tieudung.vn