Thuốc kháng tiểu cầu là một thuốc đặc biệt, được bác sĩ kê toa cho người bệnh nhằm làm giảm tối đa nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu.
Ảnh minh họa.
Việc không tuân thủ điều trị thuốc kháng tiểu cầu theo chỉ định của bác sĩ khiến một số người bệnh trở nặng, phải nhập viện do hình thành các huyết khối, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu nuôi các cơ quan (như tim, não…), đặc biệt là ở người bệnh nhồi máu cơ tim, người bệnh đã được đặt stent động mạch vành.
Nhập viện cấp cứu vì tự ý ngưng dùng thuốc
Hiện nay các bệnh lý tim mạch như suy tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây là các bệnh lý đặc biệt, cần được theo dõi và điều trị lâu dài bằng việc phối hợp giữa các biện pháp không dùng thuốc (tập luyện thể dục, giảm cân, ăn kiêng, ngưng thuốc lá…) và dùng thuốc.
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cần phải tuân thủ điều trị. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc đúng đắn đóng một vai trò then chốt trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát. Trong đó, thuốc kháng tiểu cầu là nhóm thuốc không thể thiếu, giúp làm giảm khả năng kết tập tế bào tiểu cầu, ức chế quá trình hình thành huyết khối trong lòng mạch máu.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh P.T.N.T. (54 tuổi, ngụ tại TPHCM). Cách đây 5 tháng, chị T. được đặt can thiệp đặt stent cấp cứu do nhồi máu cơ tim. Chị xuất viện sau 1 tuần và đã trở lại công việc thường ngày từ 2 tháng nay. Sau đó do bị đau dạ dày, chị tự ý ngưng sử dụng thuốc tim mạch sau khi đặt stent và chỉ dùng thuốc điều trị đau dạ dày. Sau 10 ngày ngưng thuốc, chị T. phải nhập viện vì đau ngực dữ dội kèm tụt huyết áp.
Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim tái phát, tắc stent động mạch vành do huyết khối. Ngay lập tức, người bệnh được sử dụng thuốc kháng tiểu cầu liều cao để ngăn chặn tình trạng đông máu, chụp mạch vành và can thiệp cấp cứu. Các bác sĩ đánh giá, việc tự ý ngưng thuốc tim mạch sau đặt stent, trong đó có các thuốc kháng tiểu cầu đã khiến chị T. bị tắc nghẽn mạch máu, gây tái phát nhồi máu cơ tim.
Người bệnh cần biết, thuốc kháng tiểu cầu được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh tim mạch, chủ yếu là các trường hợp có nguy cơ hình thành huyết khối cao như: người bệnh sau đặt stent, dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Khi có những mảng xơ vữa trong lòng mạch, các tế bào tiểu cầu sẽ đến làm lành vết thương. Tuy nhiên nếu mảng xơ vữa quá lớn, tiểu cầu tập kết quá nhiều sẽ kích hoạt quá trình đông máu, tạo thành nút chặn tiểu cầu lớn, hình thành cục máu đông lớn gây tắc nghẽn động mạch.
Tiểu cầu hoạt động theo bầy đàn, khi di chuyển đến nơi sang thương sẽ tạo chân giả, không thể tách rời. Trong trường hợp này, thuốc kháng tiểu cầu sẽ làm suy yếu, hạn chế tạo cục máu đông, góp phần giảm nguy cơ gây ra biến cố tim mạch ở người bệnh.
Lưu ý khi dùng thuốc
Khi được sử dụng đúng cách, thuốc kháng tiểu cầu sẽ giúp người bệnh được tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến cố. Thế nhưng chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến người bệnh gặp phải những rủi ro không mong muốn.
Đặc biệt, nhiều người bệnh chưa hiểu đúng về tác dụng của thuốc hoặc tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều lượng dẫn đến việc tái hình thành các huyết khối, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi tim và phải nhập viện cấp cứu. Chính vì thế, sau các biến cố tim mạch, người bệnh cần đặc biệt tuân thủ điều trị.
Chẳng hạn sau nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ có nguy cơ tái phát. Một khi đã tái phát, biến cố xảy ra sẽ nặng hơn so với ban đầu, tỷ lệ tử vong cao. Để ngăn ngừa những biến cố tiếp theo, người bệnh cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, chủ động tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng.
Thuốc kháng tiểu cầu có nhiều lợi ích trong phòng ngừa các biến cố tim mạch, tuy nhiên cũng có tác dụng phụ, phổ biến nhất là dị ứng: nổi mẩn, khó thở, phát ban… Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó chịu vùng thượng vị, viêm loét, xuất huyết tiêu hóa. Một tác dụng phụ khác là dễ chảy máu, xuất hiện vết bầm ở nhiều vùng cơ thể. Đáng lưu ý là hiện tượng xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn là xuất huyết não.
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý, ngay khi xuất hiện tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí. Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc, tăng giảm liều lượng của thuốc. Thay vào đó, cần tái khám ngay để bác sĩ chuyên khoa tim mạch đánh giá mức độ nặng, cân nhắc giảm liều lượng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để hạn chế, loại bỏ tác dụng phụ.
TS.BS Trần Hòa, Phó Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Nguồn: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/su-dung-thuoc-khang-tieu-cau-trong-benh-tim-mach-99246.html
-
Những người tiếp xúc F1 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT phải mặc đồ bảo hộ, tránh lây nhiễm chéo
-
Hướng dẫn F0 theo dõi sức khỏe và dùng thuốc điều trị tại nhà
-
Bộ Công Thương khuyến cáo không dùng kẹo trứng socola Kinder nghi nhiễm khuẩn
-
Trẻ đã từng là F0 nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe khi quay lại trường học?
-
4 dấu hiệu cho thấy bạn đang bị chứng mất cơ, cẩn thận nguy hại cho sức khỏe
-
Giảm triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ
-
Bạn sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để có sắc đẹp tiêu chuẩn trên Instagram Mỹ?
-
Trẻ nên ăn gì để bảo vệ sức khỏe vào mùa đông?
-
Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Từ bỏ thuốc lá vì một gia đình khỏe mạnh
-
Tác dụng làm trắng da tuyệt vời của đậu đen