Không nhận ra chính mình vì dùng app chỉnh ảnh

ngày 03/01/2022

Các filter trên mạng xã hội với khả năng chỉnh sửa đường nét khuôn mặt khiến nhiều người tự ti, thất vọng về ngoại hình thật của mình.

Đã có lúc, việc sử dụng hiệu ứng làm đẹp khi quay video TikTok tưởng chừng vô hại với Mia. Nó giúp cô trông như đã trang điểm, che bớt nọng cằm, nắn chỉnh cấu trúc xương để gương mặt tới gần hơn với sự hoàn hảo.

Dần dần, Mia trở nên quá quen với việc sử dụng filter và suýt không nhận ra chính mình khi nhìn vào gương.

“Khi dùng hiệu ứng chỉnh sửa quá nhiều, bạn liên tục có kỳ vọng rằng mình nên trông như trên ảnh. Khi nhận ra mình không giống vậy, những suy nghĩ mặc cảm bắt đầu xuất hiện”, cô nói với The Guardian.

Mia từng suy sụp vì vẻ ngoài của mình không như lúc dùng hiệu ứng ảo. Ảnh: The Guardian.

Kỳ vọng thiếu thực tế về vẻ đẹp

Filter trên các nền tảng như TikTok, Instagram, Snapchat không phải là mới nhưng chúng đã phát triển từ những chiếc mũ ngộ nghĩnh, tai cún con và tính năng phóng to hài hước thành các hiệu ứng làm đẹp tinh tế.

Ngoài việc bổ sung lớp trang điểm, nhiều filter cũng thay đổi tỷ lệ khuôn mặt người dùng để phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ phương Tây với khuôn mặt thon gọn, mũi nhỏ và đôi môi căng mọng, theo The Guardian.

Mia bắt đầu sử dụng filter khi một trong những video TikTok của cô bất ngờ nổi tiếng và lượng người theo dõi đột ngột tăng vọt. Khi đó, cô nặng 100 kg và cảm thấy rất lo lắng vì có nhiều lượt xem.

“Các hiệu ứng trên TikTok rất hoàn hảo và tự nhiên. Vì vậy, tôi dùng chúng để cảm thấy tốt hơn một chút về bản thân. Nhưng thành thật mà nói, hình ảnh đó thậm chí còn không giống tôi”, Mia chia sẻ.

Cô kể rằng mình từng nằm trên giường khóc nhiều đêm vì cảm thấy xấu xí. “Tôi đã 30 tuổi rồi mà còn cảm thấy vậy. Thật đáng sợ khi tưởng tượng một đứa trẻ 10 tuổi dùng những hiệu ứng này”, cô nói.

Việc tiếp xúc với những hình ảnh không thực tế về sắc đẹp có thể ảnh hưởng tâm lý. Ảnh: InStyle.

Tiến sĩ Jasmine Fardouly, chuyên gia về hình ảnh cơ thể tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết việc tiếp xúc với những hình ảnh mang tiêu chuẩn không thực tế về sắc đẹp rất có hại cho người dùng, theo nghiên cứu cô thực hiện năm 2021.

“Sự thật là không ai có thể mang vẻ ngoài như những hình ảnh đã thêm hiệu ứng. Chúng khiến gương mặt của mọi người như được đổ cùng khuôn”, cô nói.

Khi sử dụng hiệu ứng trên TikTok, Instagram hoặc Snapchat, một nhãn dán nhỏ mang tên filter sẽ xuất hiện trên video. Tuy nhiên, Fardouly nói rằng việc chỉ ra filter được dùng như trên không thực sự có tác dụng. Người xem chỉ cảm thấy tốt hơn nếu thấy vẻ ngoài thật, chưa qua chỉnh sửa.

Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa hình ảnh cơ thể tiêu cực và việc chỉnh sửa ảnh nhưng chưa rõ theo chiều hướng nào: lòng tự tôn bị giảm do dùng hiệu ứng quá nhiều, hay những người vốn tự ti về cơ thể sẽ thường dùng hiệu ứng hơn?

“Sự bất mãn về cơ thể là một dấu hiệu dự báo chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm và lòng tự tôn thấp. Ngoài ra, điều này còn có mối liên hệ với mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ”, Fardouly cho biết.

Đây là điều mà Amy Hall-Hanson đã trực tiếp trải nghiệm. Dù đã vật lộn với mặc cảm ngoại hình nhiều năm, cô chưa bao giờ quá chú tâm đến môi mình cho đến khi bắt đầu sử dụng hiệu ứng làm đẹp cho mọi bức ảnh trên Snapchat và Instagram.

“Có một vài hiệu ứng làm môi tôi trông rất đẹp và khiến tôi muốn chỉnh sửa nó. Tôi bắt đầu thử đánh son tràn viền môi. Khi soi gương, tôi luôn cảm thấy môi mình quá mỏng. Đã có thời gian tôi phải tạm ngừng chụp ảnh bản thân cho đến khi thấy ổn hơn”, cô kể lại.

Amy từng cân nhắc phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình như trên filter. Ảnh: The Guardian.

Không chỉ do mạng xã hội

Dù không có giải pháp đơn giản nào, mạng xã hội có thể thực hiện một số điều nhằm giảm thiểu tác hại tiềm ẩn từ các hiệu ứng làm đẹp ảo, theo Fardourly.

“Tôi nghĩ rằng các thuật toán có thể được cập nhật để đưa những hình ảnh đa dạng hơn về vẻ ngoài đến mọi người. Sự tiện lợi và dễ dàng khi sử dụng hiệu ứng cũng là một vấn đề. Nếu filter đó thay đổi cấu trúc khuôn mặt và thúc đẩy những hình ảnh thiếu thực tế về sắc đẹp, các nền tảng cũng có thể xóa bỏ chúng”, cô nói.

Fardouly cũng cho rằng các nền tảng mạng xã hội không nên là bên duy nhất chịu trách nhiệm về tác hại gây ra bởi những tiêu chuẩn vẻ đẹp không lành mạnh.

“Rất nhiều vấn đề với mạng xã hội xuất phát từ mong muốn của con người trong cuộc sống. Ai cũng muốn xuất hiện một cách tích cực trước người khác. Mạng xã hội chỉ cung cấp công cụ để kiểm soát vẻ ngoài và khiến ta dành thêm nhiều thời gian chăm chút cách thể hiện bản thân. Đó là nguyên nhân gây tác hại”, cô nói.

Mia mong muốn truyền tải thông điệp về chấp nhận bản thân và cơ thể. Ảnh: The Guardian.

Mia nhận ra điều đó khi nói chuyện với bạn về việc xem xét tiêm thuốc tan mỡ để loại bỏ nọng cằm.

“Khi nghe kể, bạn tôi nhìn tôi rất khó hiểu, như thể đang hỏi: ‘Bạn đang nói gì vậy? Bạn đâu có nọng cằm’”, cô kể lại.

Sau khi nhìn thẳng vào gương mặt không hoàn hảo và xa lạ của mình trong gương, Mia nhận ra cô không còn sống đúng với thông điệp mà bản thân từng muốn truyền tải qua mạng xã hội.

“Một phần nội dung của tôi là về việc chấp nhận con người và vẻ ngoài của mình. Nhưng tôi nhận ra tất cả sẽ là dối trá nếu tôi còn tiếp tục sử dụng hiệu ứng ảo”, Mia nói.

“Một ngày nọ, tôi thức dậy và nói với chính mình: ‘Nếu còn đăng nội dung, mình sẽ không sử dụng hiệu ứng nữa’. Và kể từ đó, tôi chưa hề dùng”, cô kể.

Nguồn: https://zingnews.vn/khong-nhan-ra-chinh-minh-vi-dung-app-chinh-anh-post1287170.html