Ghi nhận thực tế tại một số chợ đầu mối và dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, hôm nay (15/12) giá rau xanh tăng cao ở mức 'chóng mặt', gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cách đây khoảng 1 tuần.
Theo chủ một sạp rau tại chợ dân sinh khu đô thị Xa La (Hà Nội), khoảng một tuần trở lại đây giá rau đột nhiên tăng mạnh, gấp 3 – 4 lần so với thời điểm trước. Lý do giá rau tăng cao được nhiều người cho rằng, vì thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến rau sinh trưởng chậm.
"Mấy ngày hôm nay nhà tôi cũng không dám lấy nhiều rau về bán, vì giá rau quá cao nên bị đội vốn lên rất nhiều. Lấy rau về sợ không bán hết thì chết dở, rau đắt như thế này dân cũng không dám ăn nhiều. Số người mua thì vẫn vậy nhưng lượng rau mua thì giảm xuống đáng kể", chủ sạp rau cho hay.
Chủ sạp rau cũng không dám nhập nhiều rau về bán vì giá rau quá cao. Ảnh: Quỳnh Mai
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội, giá rau xanh như cải chip, cải thìa, cải canh, cải mơ, cải cúc có giá 12 - 13 nghìn đồng/mớ, hoặc 35 - 37 nghìn đồng/kg; rau cần ta 14 - 15 nghìn đồng/mớ; cải bắp 20 - 22 nghìn đồng/kg; su hào 12 – 15 nghìn đồng/củ;…
Riêng đối với những loại củ như khoai tây, khoai sọ thì giá vẫn bình ổn gần như trước, giá dao động từ 22 – 25 nghìn đồng/kg. Còn giá rau củ tại chợ đầu mối như Chợ đầu mối Minh Khai (Cầu Diễn, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) thì sẽ "nhẹ" hơn từ 4 – 6 nghìn đồng/mớ (hoặc kg).
Chị Huyền Trang (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vì rau quá đắt nên thời gian gần đây bữa ăn của gia đình chị có sự thay đổi. Từ việc ăn nhiều rau, vừa thịt thì hiện tại mâm cơm sẽ chủ yếu là thịt, cá, trứng, còn rau sẽ chỉ là để "trang trí".
Giá rau ở chợ đầu mối Minh Khai cũng "đắt khét". Ảnh: Quỳnh Mai
"Nhà mình 4 người mọi khi phải ăn 2 củ su hào/bữa, nhưng hôm qua mình cũng chỉ dám xào 1 củ và ăn cả lá. Một củ su hào mình mua 15 nghìn đồng, nếu xào 2 củ thì đã tốn 30 nghìn đồng, bằng với giá của 3 lạng thịt. Mọi khi nhà mình hay ăn rau luộc hoặc xào thì nay mình chuyển sang nấu canh suông để "trang trí" cho mâm cơm, như vậy cũng sẽ cảm thấy bữa ăn không quá ít rau", chị Trang chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Giang Hương (Hà Đông, Hà Nội) thời gian gần đây mỗi lần đi chợ chỉ tập trung chủ yếu mua các loại củ quả như khoai tây, khoai sọ hoặc cà chua. Theo chị Hương, vì giá rau quá cao nên thay vì ăn rau xào hay luộc thì chị chuyển sang nấu các món canh như khoai tây nấu xương, hoặc canh cà chua trứng.
Nhiều gia đình chọn cách giảm rau, tăng thịt trong những ngày giá rau đắt đỏ. Ảnh: Quỳnh Mai
"Nhà mình cũng tăng lượng thịt, cá để bù vào phần thiếu của rau. Tuy nhiên, ăn mãi cùng chán, thiếu chất của rau xanh nên cách 1 – 2 hôm mình cũng phải mua rau về luộc hoặc xào cho bữa cơm đủ cả chất và lượng", chị Hương nói.
Không chỉ là gia đình chị Huyền Trang và Hương Giang, mà nhiều chủ sạp rau cũng đều phải thốt lên rằng "giá rau quá đắt". Thậm chí mang tiếng là "của nhà trồng được" nhưng có những loại rau yêu thích bây giờ gia đình chủ sạp cũng không dám ăn, thay vào đó chỉ tập trung ăn những loại rau… bị ế.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
-
Dùng điện thoại khi đang sạc, nam thanh niên cháy sém toàn thân, nguy cơ mù
-
8 sản phẩm làm đẹp cực hại môi trường cần thay thế ngay
-
Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm ung thư đại tràng
-
Một số địa phương ở Đức thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm
-
Việt Nam bước vào giai đoạn vàng chống dịch Covid-19: Đừng để quá muộn!
-
Bệnh tay chân miệng bùng phát, Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo khẩn
-
Rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng
-
Giấm táo giúp trị mụn ẩn hiệu quả
-
3 loại thực phẩm khi sử dụng vào bữa sáng tốt gấp vạn lần bún, phở
-
Làm thế nào để tránh đau đầu gối khi tập thể dục?