Bác sĩ 'chạy đua với tử thần' cứu người đàn ông nôn ra nửa lít máu

ngày 16/04/2020

Đó là bệnh nhân N.M.T., 45 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội, được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn muộn. Đêm 14/4, bệnh nhân thấy khó chịu, đau tức ngực nên được người nhà đưa đến bệnh viện. Vừa qua cửa thang máy, bệnh nhân nôn ộc ra khoảng nửa lít máu tươi và máu cục. Ngay lập tức, anh T. được kíp trực cấp cứu tiêm cầm máu, truyền dịch để giữ huyết áp.

Trên nền bệnh ung thư gan có tiền sử viêm gan B, xơ gan, bệnh nhân được các bác sĩ dự đoán bị xuất huyết tiêu hóa cao do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân mất nhiều máu, mạch đập rất nhanh, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tinh thần hoảng loạn, tình trạng rất nặng. Trước tình huống nguy kịch của bệnh nhân, ê-kíp trực hội chẩn ngay trong đêm cùng các bác sĩ nội soi, gây mê hồi sức để đưa ra phương án xử trí cấp cứu, dự trù sẵn máu truyền khi cần thiết.

Hình ảnh nội soi của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Khi huyết động của bệnh nhân đã ổn định, ê-kíp tiến hành nội soi thăm dò và đánh giá khả năng can thiệp. Đưa ống soi vào thực quản, dạ dày, các bác sĩ phát hiện bên trong có rất nhiều máu đỏ lẫn máu cục lên đến gần 1.000 ml. Thực quản có các tĩnh mạch giãn căng, ngoằn ngoèo nổi cao lên khỏi bề mặt niêm mạc, máu đang phun thành tia.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hà Thường, Trưởng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, nhận định nếu bệnh nhân không được cấp cứu và xử lý kịp thời có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng thủ thuật nội soi can thiệp thắt búi tĩnh mạch thực quản bị giãn vỡ bằng vòng cao su, cầm máu thành công cho bệnh nhân.

Sau khi nội soi can thiệp cấp cứu kết hợp truyền bù máu và điện giải, bệnh nhân đã được cầm máu hoàn toàn, mạch, huyết áp ổn định, tỉnh táo hơn, tiếp xúc tốt. Gia đình anh T. và ê-kíp trực đều vui mừng.

Chảy máu tiêu hóa cao do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Hiện nay, nội soi cũng như các phương pháp điều trị khác đã có nhiêu phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản vẫn khá cao (khoảng 20% trong vòng 6 tuần đầu), hay tái phát, một số trường hợp vẫn rất khó kiểm soát.

Theo bác sĩ Thường, bệnh nhân xơ gan, u gan cần điều trị tích cực, liên tục và tuyệt đối không uống rượu, bia. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, bệnh nhân cần thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm các búi giãn tĩnh mạch thực quản. Người bệnh khi có dấu hiệu nôn, đi ngoài ra máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.


Nguồn: Báo Zing