Việt Nam hiện có 32.900 người bệnh đang sống chung với ung thư đại trực tràng, cứ 100.000 người thì có tới 13-14 người mắc căn bệnh này. Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đưa ra tại Hội thảo Ung thư Việt - Pháp lần thứ 3 do Bệnh viện K Trung ương tổ chức.
Theo TS Quang, năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, 115.000 ca bệnh nhân tử vong. Trong đó, số bệnh nhân ung thư đại trực tràng mắc mới là 14.733 ca và tử vong là 9.286 ca. Tại Bệnh viện K Trung ương, mỗi tháng, các bác sĩ chẩn đoán mới khoảng 200 ca.
Ung thư đại trực tràng đang nằm trong số 5 loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta. Dự đoán đến năm 2025, nó sẽ trở thành bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở ở nữ giới. Đến năm 2040, số người mắc ung thư đại trực tràng dự báo sẽ tăng gấp đôi so với năm 2018.
"Nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng, trong đó, có những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tuổi, giới, dân tộc, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng... Những yếu tố có thể thay đổi được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thừa cân - béo phì, thói quen dinh dưỡng và hệ vi khuẩn", ông Quang nói.
Người có hoạt động thể lực thường xuyên có thể giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Người ăn từ 800 gram rau củ/ngày giảm hơn 1/2 nguy cơ mắc bệnh so với người sử dụng 200 gram rau củ/ngày.
Để phòng tránh ung thư đại trực tràng, theo các bác sĩ, ngoài chế độ ăn uống như kiêng rượu, bia, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ nướng, đồ muối, người dân phải tăng cường hoạt động thể dục. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao như di truyền, đột biến gen, mắc bệnh mạn tính, người 50 tuổi trở lên phải sớm sàng lọc căn bệnh này.