Vĩnh Long: Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

ngày 27/05/2022

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận gần 190 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 47 ổ bệnh, trong đó có 9 ca bệnh nặng.

Bác sỹ Võ Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết (ảnh tư liệu).

Theo nhận định, mặc dù số ca bệnh giảm gần 100 ca, tuy nhiên, số ca bệnh nặng tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời số ca mắc mới cũng đang có dấu hiệu gia tăng từ tháng 4/2022 với gần 50 ca/tháng và tăng cao trong tháng 5/2022 với khoảng 90 ca/tháng.

Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm chủ động phòng, chống không để dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn.

Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong các tháng Ba và tháng 4/2022, trung bình có 7-8 ca/tháng, riêng từ đầu tháng Năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 12 ca nhập viện; trong đó, có 4 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, cần điều trị chống sốc, hỗ trơ hô hấp trong quá trình điều trị. Đối với những ca sốt xuất huyết nhập viện, khi có dấu hiệu cảnh báo thì nhân viên y tế sẽ có biện pháp theo dõi các sinh hiệu của bệnh nhân thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp chuyển nặng để điều trị.

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Chí Công – Phó Khoa Nhi Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, bệnh sốt xuất huyết diễn tiến từ 2 đến 7 ngày. Trong hai ngày đầu, có thể trẻ sốt cao, qua ngày thứ ba trở đi, tình trạng sốt giảm dần và hết sốt, tuy nhiên trong giai đoạn này bệnh có thể diễn tiến nặng, có thể sốc, rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý trong giai đoạn này, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ, nếu trẻ lười ăn, không chịu chơi, đau bụng, nôn ói nhiều… thì nên đưa trẻ đến khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị, tránh trình trạng diễn tiến nặng và dẫn đến tử vong.

Bệnh Sốt xuất huyết hiện nay không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ mắc. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, từ đầu tháng 5/2022 đến nay đã tiếp nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Thu Trang - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, ở người lớn, thể lâm sàng của sốt xuất huyết có nhiều điểm tương đồng như trẻ em với các biểu hiện như sốt, xuất huyết có thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn gây suy tạng, rối loạn đông máu.

Nếu người lớn bị sốt xuất huyết thì cũng phải lưu ý những dấu hiệu cảnh báo để có thể dẫn đến chuyển nặng như bệnh nhân có những rối loạn về tri giác, vật vã, li bì; bệnh nhân đau bụng tăng lên; ngoài xuất huyết dưới da thì bệnh nhân có xuất huyết niêm mạc, chảy máu mũi, xuất huyết tạng…

Đặc biệt, cần lưu ý các trường hợp bệnh ở người già, người có nhiều bệnh nền, người suy giảm miễn dịch hoặc người có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan nặng có sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm có chứa corticoid… thì bệnh xuất huyết cũng sẽ biểu hiện rõ nét hơn. Do đó, nếu bệnh nhân chủ quan không đi khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến chuyển nặng hoặc tử vong.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân, mặc dù đến nay số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên qua các hệ thống giám sát quần thể muỗi và lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn thì các chỉ số có chiều hướng tăng lên, đây là các điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt nên nguy cơ phát sinh bệnh là rất cao.

Dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết có khả năng tăng cao trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tập trung triển khai một số các hoạt động trọng tâm để ngăn ngừa. Theo đó, các bộ phận chuyên môn phối hợp với y tế địa phương dập ngay các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn bằng cách phun hóa chất diệt muỗi mang mầm bệnh, khống chế không để bệnh lây lan. Các lực lượng tăng cường hoạt động giám sát về ca bệnh, giám sát về quần thể muỗi, lăng quăng và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch và công tác điều trị sốt xuất huyết; phối hợp với các trung tâm y tế và các ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc khử độc diệt muỗi để ngăn chặn đường lây lan của bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng cho những địa phương có nguy cơ. Ngoài ra, Trung tâm tích cực thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thực hiện những biện pháp diệt muỗi, lăng quăng tại chỗ theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân nhận định, để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt được hiệu quả, đòi hỏi ý thức của người dân thường xuyên thực hiện những các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng tại nhà. Bản thân mỗi người dân phải chủ động dùng nhang muỗi, bình xịt muỗi, mắc mùng (màn) khi ngủ để tránh muỗi đốt, phải thường xuyên dọn dẹp môi trường xung quanh nhà, đồng thời làm sạch và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, nhất là thời điểm mưa nhiều để hạn chế các điều kiện cho muỗi phát triển.

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết bước vào mùa cao điểm, người dân cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, không nên tự ý mua thuốc cho con em mình uống mà phải đưa đến cơ sở y tế để khám và tư vấn kịp thời, tránh bệnh diễn biến nặng.

Nguồn: https://baotintuc.vn/y-te/vinh-long-chu-dong-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-20220527165114871.htm