TS-BS Võ Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vàng da là do sỏi mật, vàng da do các u lành tính rất hiếm gặp, các khối u phát hiện trên đường mật đa số là ác tính.
Khó phát hiện
Ông H.H.Q (60 tuổi, ngụ TP HCM) là một trường hợp bệnh lý gan mật điển hình. Trước khi nhập viện tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM mới đây, người nhà cho biết da và mắt ông vàng hơn bình thường. Song ông Q. thấy sức khỏe vẫn bình thường nên chủ quan không đi khám bệnh. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, ông bắt đầu có triệu chứng ngứa toàn thân, nước tiểu màu vàng sậm và đau bụng nên đi khám tại bệnh viện địa phương. Sau đó, ông Q. được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân. Tại đây, ông được chẩn đoán giãn đường mật, u đường mật vùng ống gan và được chỉ định phẫu thuật điều trị.
Một trường hợp khác là cụ T.N.T (84 tuổi, ngụ TP HCM) bị sốt kèm vàng da, tại Bệnh viện Gia An 115, các bác sĩ phát hiện khối u ở ngã ba ống gan (một dạng khối u ở nơi hợp lưu ống gan phải và ống gan trái), khối u chèn ép gây hẹp, tắc nghẽn ống gan chung.
TS-BS Võ Văn Hùng cho biết sỏi mật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng vàng da nhưng nguyên nhân đáng sợ nhất là ung thư đường mật. Ung thư đường mật ít gặp hơn ung thư gan nhưng bệnh thường được phát hiện khá trễ, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và thời gian sống của bệnh nhân.
Các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật là do nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc các hóa chất dùng trong công nghiệp cao su, có nang đường mật, xơ gan bẩm sinh, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, viêm loét đại tràng. Đáng chú ý là ung thư đường mật trên bệnh nhân viêm loét đại tràng có khuynh hướng diễn tiến trầm trọng hơn.
Các triệu chứng thường gặp là vàng da - triệu chứng phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 90% trường hợp. Đau bụng xuất hiện ở 30%-50% bệnh nhân. Các triệu chứng khác có thể gặp như: ngứa toàn thân, thiếu máu, chán ăn - sụt cân. Trong các trường hợp muộn, người bệnh có xuất hiện báng bụng (có dịch trong bụng).
Tuổi mắc bệnh ung thư đường mật trung bình trong cộng đồng là 50-70 tuổi, nam nhiều hơn nữ, khoảng 25%-57% có kèm sỏi mật. Hiện nay, phát hiện sớm ung thư đường mật còn rất khó khăn, đặc biệt là khi có kết hợp sỏi đường mật. Đa số trường hợp khi phát hiện đã có xâm lấn các mạch máu quan trọng của gan, gây khó khăn cho phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối ung thư.
Nên khám sức khỏe định kỳ
Theo TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, ung thư đường mật ít gặp hơn ung thư gan nhưng bệnh thường được phát hiện khá trễ, ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Dự hậu của ung thư đường mật rất xấu, đặc biệt là ung thư vùng rốn gan, nếu không điều trị, bệnh nhân tử vong do suy gan và di căn trong vòng 3-6 tháng.
Trong nhiều trường hợp được phát hiện, khối u thường đã xâm lấn gan, vào các cấu trúc quan trọng lân cận như mạch máu và bạch huyết. Tỉ lệ tử vong trước, trong và sau phẫu thuật là 1,3%-11% với tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật là 35%-50%.
Theo các chuyên gia, trong những trường hợp không thể cắt bỏ u, giải pháp hiện nay là đặt ống thông đường mật, giúp mật lưu thông từ gan xuống ruột và bệnh nhân sẽ giảm vàng da. Phương pháp dẫn lưu mật này giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân bao gồm giảm vàng da, ăn uống ngon miệng hơn nhờ có dịch mật tiêu hóa thức ăn.
Hiện nay, có một số thuốc mới được dùng điều trị ung thư đường mật nhưng tỉ lệ đáp ứng còn thấp, nhất là các bệnh nhân đã quá chỉ định phẫu thuật, không còn cắt được khối u.
"Không thể dự phòng hoàn toàn bệnh ung thư đường mật, vì vậy chỉ có thể "né" các yếu tố thuận lợi của ung thư đường mật như tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, điều trị các bệnh nhiễm trùng mạn tính, bệnh ký sinh trùng như giun sán, bệnh sỏi mật, các bệnh đường mật khác (nang đường mật, xơ gan, viêm đường mật xơ hóa…), bệnh viêm loét đại tràng.
Một biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất là mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm, để có thể phát hiện sớm bệnh, đặc biệt với những người trên 50 tuổi, lứa tuổi thường gặp của bệnh ung thư đường mật" - TS-BS Võ Văn Hùng tư vấn.