Người phụ nữ nguy kịch vì đắp lá cây lên vết thương

ngày 10/07/2020

Từ đầu năm đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận hàng chục trường hợp bị biến chứng nặng ở vết thương, do bệnh nhân tự dùng thuốc nam và đắp một số lá cây không rõ nguồn gốc. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp có nguy cơ tử vong cao do biến chứng quá nặng.

Cắt bỏ chi sau khi dùng thuốc lá

Sáng 7/7, bà H. (55 tuổi, ngụ thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa thị xã Ninh Hòa vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, viêm loét vùng cụt, sưng mủ, có dịch chảy ở 2 mu bàn chân, trong đó chân phải bị nặng hơn chân trái.

Theo bác sĩ Phạm Đình Thành, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình tổng quát, bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử 2 mu bàn chân, ở chân phải đã lan rộng tới cẳng đùi, nguy cơ tử vong cao.

Một bệnh nhân phải phẫu thuật sau khi khi tự ý dùng thuốc lá đắp vết thương. Ảnh: A.B.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu cắt lọc đoạn chi bên phải. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân diễn biến nặng do có tiền sử bệnh tiểu đường, hôn mê sâu, phải thở máy để duy trì sự sống.

“Việc phải phẫu thuật cắt lọc đoạn chi bên phải cũng do người bệnh nhập viện muộn. Ngoài ra, người bệnh tự dùng lá cây để đắp vào vết thương khiến bệnh càng nặng hơn”, bác sĩ Thành chia sẻ. Sáng 9/7, bệnh viện đã giải quyết cho bệnh nhân H. về nhà theo nguyện vọng gia đình.

Theo người nhà, bệnh nhân H. bị mắc bệnh đái tháo đường. Trước đó, đôi chân của bệnh nhân xuất hiện vết thương lâu lành gây đau đớn, nên có đến thầy lang thăm khám. Người này cho một số lá cây để đắp vào vết thương. Tuy nhiên, sau 10 ngày đắp thuốc, vết thương không lành, trở nặng, bệnh nhân mới nhập viện.

Không nên tự ý dùng thuốc khi bị thương

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân T.T.T.Đ (48 tuổi, ngụ TP Nha Trang), cũng đang được điều trị sau khi dùng thuốc lá cây không rõ nguồn gốc để đắp vết thương.

Theo người nhà bệnh nhân, bà Đ. bị một vết thương ở đầu gối do tai nạn giao thông, thường xuyên bị sưng tấy. Gia đình mua thuốc lá chữa trị cho bà. Sau 3 ngày đắp thuốc, đầu gối của bệnh nhân sưng tấy và đau hơn nên phải nhập viện phẫu thuật.

Các bác sĩ cho biết trường hợp của bệnh nhân Đ. có thể điều trị kịp chữa trị vì thời gian đắp lá không dài, viết thương nhiễm trùng viêm tấy, tụ dịch nhưng chưa ở mức nghiêm trọng phải đoạn chi.

Theo bác sĩ Phạm Đình Thành, việc tự ý dùng lá cây để đắp lên vết thương sẽ gây nhiều biến chứng và hậu quả khó lường cho người bệnh. Trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, các bác sĩ có thể xử lý bảo toàn được chi cho bệnh nhân. Trường hợp nặng phải phẫu thuật cắt bỏ, thậm chí gặp biến chứng suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng.

“Người bị chấn thương nên chườm lạnh, kê cao chân và đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để tư vấn, điều trị. Tuyệt đối không đắp thuốc bằng các lá cây hay bôi dầu nóng, rượu thuốc vì nó sẽ làm nóng vùng tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp, viêm khớp, hình thành áp-xe gây hoại tử sinh hơi, nặng hơn là suy đa tạng dẫn tới tử vong”, bác sĩ Thành chia sẻ.


Nguồn: Báo Zing