Điện Biên “tiền hậu bất nhất”, nhà đầu tư bức xúc

ngày 18/05/2018

 Nhà máy Thủy điện Nậm Khóa

Nhà máy Thủy điện Nậm Khóa

Mọi chuyện bắt đầu từ 11 năm trước, cuối năm 2007 UBND tỉnh Điện Biên có văn bản “Đồng ý cho Công ty cổ phần Vina Power được tiến hành các thủ tục khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng thuỷ điện Mường Luân và thuỷ điện Chiềng Sơ thuộc huyện Điện Biên Đông”.

“Trải thảm đỏ…”

Khảo sát ban đầu của Vina Power được Sở Công nghiệp Điện Biên báo cáo thì thuỷ điện Mường Luân có khả năng đạt công suất lắp máy 13MW, thuỷ điện Chiềng Sơ công suất lắp máy 15MW. Sau đó, có lẽ vì hiệu quả kinh tế không hấp dẫn, Vina Power có thoả thuận xin chuyển toàn bộ quá trình khảo sát hai dự án thuỷ điện trên cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng điện Linh Linh JFC (Sau đây gọi tắt là Công ty Linh Linh).

Thoả thuận trên đã nhận được sự chấp thuận của UBND Điện Biên tại công văn số: 06/UBND-CN ngày 8-1-2009 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Bùi Viết Bính ký. “Nhất trí việc chuyển giao nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Mường Luân và thuỷ điện Chiềng Sơ thuộc địa bàn các xã Mường Luân, Chiềng Sơ – huyện Điện Biên Đông từ Công ty cổ phần Vina Power cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng điện Linh Linh JFC” – công văn nêu rõ. Giám đốc Công ty Linh Linh, bà Lương Thị Lợi cho biết, thời gian đầu khi tiếp nhận dự án này thì lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã “trải thảm đỏ” cho doanh nghiệp, đốc thúc doanh nghiệp khẩn trương đầu tư.

Sau quá trình khảo sát, thuê tư vấnlập báo cáo đầu tư, đến cuối tháng 3-2009, tại cuộc họp liên ngành giữa các sở Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải và UBND huyện Điện Biên Đông, phương án xây dựng cụ thể được lựa chọn. Theo đó, thuỷ điện Mường Luân có mực nước dâng bình thường 455m, công suất lắp máy dự kiến 16MW. Đối với thuỷ điện Chiềng Sơ, để hạn chế tối đa diện tích vùng ngập, nhà đầu tư đề xuất phương án xây dựng hai nhà máy, Chiềng Sơ 1 có mực nước dâng bình thường 425m, công suất lắp máy dự kiến10MW; thuỷ điện Chiềng Sơ 2 có mực nước dâng bình thường 403m, công suất lắp máy dự kiến 10MW.

Tại công văn liên ngành có đầy đủ chữ ký của lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Điện Biên và huyện Điện Biên Đông còn sốt sắng yêu cầu Công ty Linh Linh “Thực hiện ngay việc khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng đường tránh ngập theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn A, khởi công trước ngày 1-9-2009 và đưa vào sử dụng trong năm 2010. Kinh phí để thực hiện công việc khảo sát lập dự án, các chi phí khác trong quản lý dự án đầu tư xây dựng và thi công phần mở nền đường, các công trình cầu thuộc đường tránh ngập do nhà đầu tư – Công ty Linh Linh chi trả”. Ngay sau đó, UBND tỉnh Điện Biên có công văn đồng ý với chủ trương và giao cho Công ty Linh Linh thực hiện dự án.

Rồi lại đòi “xoá” cam kết cũ

Khi mọi việc đang được triển khai đúng chủ trương và cam kết thì các dự án trên buộc phải dừng lại vì “vướng” chủ trương triển khai xây dựng hồ thuỷ lợi Pa Ma (thuộc địa phận Sơn La) trên dòng sông Mã, kết hợpkhai thác thuỷ điện với công suất lắp máy dự kiến 80MW, theo quy hoạch hệ thống thuỷ lợi được Thủ tướng quyết định.“Mặc dù đã bỏ ra các chi phí ban đầu để khảo sát địa hình, thuê tư vấn, thực hiện các thủ tục triển khai dự án, nhưng khi quy hoạch thay đổi vì lý do khách quan, thì chúng tôi cũng chấp nhận bởi Chính phủ tính toán vì lợi ích tổng thể” – bà Lương Thị Lợi kể lại.

Đến năm 2016, trên cơ sở tính toán lại của các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch thuỷ lợi, đưa công trình hồ chứa Pa Ma ra ngoài quy hoạch. Lúc này, các dự án thuỷ điện Mường Luân, Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2mới có điều kiện thực hiệncác bước tiếp theo. Nắm được thông tin này, Công ty Linh Linh đã trở lại với Điện Biên, tiếp tục đề xuất thực hiện dự án.

“Nhưng thời điểm này chúng tôi được biết có một số nhà đầu tư khác cũng đang tìm cách có được các dự án mà chúng tôi đã mất công sức khảo sát, lập báo cáo đầu tư trước đây” – bà Lợi cho hay. Cơ quan chức năng của Điện Biên bắt đầu “đàm phán” với nhà đầu tư. Sau nhiều cuộc làm việc, cuối cùng 3 dự án nêu trên được lãnh đạo tỉnh Điện Biên thống nhất “chia” cho các nhà đầu tư khác nhau, trong đó Công ty Linh Linh được giao chủ đầu tư thuỷ điện Chiềng Sơ 1.

“Nếu ví von thì dự án chúng tôi được giao là miếng xương nhất so với các dự án còn lại” – Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Linh Linh, ông Bùi Văn Nghĩa cho hay. Thông báo số 164/UBND-KT của UBND tỉnh Điện Biên ngày 18-1-2017 được phó chủ tịch Lê Thành Đô ký, giao Công ty Linh Linh thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Chiềng Sơ 1 với mực nước dâng bình thường 425m, công suất lắp máy 10MW.

Ông Nghĩa phân tích, với mực nước dâng như vậy và mực nước hạ lưu bị khống chế 410m (Trước đó quyết định 407m) thì độ chênh cột nước chỉ là 15m.Căn cứ vào điều kiện thực tế địa hình, địa chất, thủy văn thì việc thay đổi mực nước hạ lưu so với trước, buộc nhà đầu tư phải thay đổi lại toàn bộ quy mô công trình. “Các phương án tính toán cho thấy nếu đầu tư vào một dự án Chiềng Sơ 1 thì không còn hiệu quả nữa, nên chúng tôi đề nghị tỉnh Điện Biên phải giao lại cho chúng tôi thực hiện toàn bộ cụm công trình thuỷ điện Mường Luân – Chiềng Sơ như cam kết ban đầu” – ông Nghĩa nói.

Do đã “hứa” với các nhà đầu tư khác, nên tháng 2-2018 và mới nhất là ngày 3-5-2018 vừa qua, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Tưởng ký công văn gửi Công ty Linh Linh để trả lời, giải thích vấn đề. Điều khá kỳ lạ là mặc dù thừa nhận Công ty Linh Linh đã có công khảo sát, lập dự án từ giai đoạn 2008-2009, nhưng Sở Công thương Điện Biên lấy lý do là năm 2012 Thủ tướng đã ban hành quyết định quy hoạch thuỷ lợi miền Trung giai đoạn 2012-2020 (Trong đó có hồ chứa Pa Ma) nên “các dự án thuỷ điện Mường Luân, Chiềng Sơ 1 và Chiềng Sơ 2 đương nhiên không được phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.

Với lập luận như vậy, văn bản của Giám đốc Sở Công thương Điện Biên mặc nhiên cho rằng khi Thủ tướng loại công trình Pa Ma ra ngoài quy hoạch thuỷ lợi nêu trên, thì quá trình đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện nêu trên coi như phải “xoá đi làm lại”.

“Giải thích như vậy là hết sức vô lý. Cách đây đúng 10 năm, chúng tôi được chào mời. Là người dò đá tìm đường, chúng tôi tốn rất nhiều công sức, thuê các đơn vị khảo sát, lập báo cáo đầu tư. Ngay cả các số liệu mà Sở Công thương Điện Biên dùng để báo cáo cơ quan chức năng cũng là số liệu của chúng tôinghiên cứu.Việc đề xuất Thủ tướng loại hồ Pa Ma ra khỏi quy hoạch thuỷ lợi vì không hiệu quả, thì chúng tôi cũng mất công sức khảo sát, đánh giá, cùng với các cơ quan của Điện Biên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nay cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên trả lời một cách phủi tay như vậy thì rất khó chấp nhận” – ông Nghĩa bức xúc.

Hà Anh

Nguồn Dân trí