9 mẹo chăm sóc bàn chân khi đi dép quai hậu hoặc dép lê

ngày 12/01/2022

Mùa hè là mùa mà dép quai hậu và dép lê lên ngôi. Bạn hãy thử các mẹo dưới đây để bảo vệ bàn chân khi mang các loại dép này.

Giày dép và sức khỏe bàn chân: Dép quai hậu và dép lê là những phụ kiện không thể thiếu vào mùa hè vì chúng thoáng mát và giúp chân bạn “dễ thở”. Dù là mang dép ở nhà hay ở nơi công cộng, có lẽ bạn đều sẽ cần những mẹo từ các chuyên gia để bảo vệ bàn chân vào mùa hè.

Chọn dép đảm bảo chất lượng: Những đôi dép mỏng hầu như không có tác dụng nâng đỡ bàn chân hơn so với khi bạn đi chân trần. Không có sự nâng đỡ từ giày dép, bạn có thể bị viêm cân gan chân dẫn đến đau chân. Bạn hãy thử gập đôi chiếc dép của mình: nếu như dép dẻo và có thể gập lại được, đôi dép đó không đủ khả năng nâng đỡ bàn chân.

Dưỡng ẩm da chân: Dép lê và dép quai hậu khiến bàn chân dễ tiếp xúc với bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu bàn chân bạn bị nứt nẻ do da khô, các bụi bẩn và vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng bàn chân. Bạn nên thường xuyên dưỡng ẩm cho chân để chân không bị nứt nẻ.

Chú ý đến các bộ phận khác của cơ thể: Dép lê và dép quai hậu có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là chỉ đau chân. Những đôi dép không cung cấp đủ lực nâng đỡ có thể gây áp lực và đau đớn ở đầu gối, hông và thắt lưng.

Mẹo giúp bạn nhanh thích nghi với những đôi dép mới: Thời gian đầu mang những đôi dép mới có thể khiến bạn thấy khó chịu. Nếu bạn mang dép có quai giữa ngón chân cái và các ngón chân khác, hãy thử lót thêm băng cá nhân vào vị trí quai dép để giảm ma sát giữa quai dép và da chân.

Chỉ mang dép để thư giãn chân: Các đôi dép quai hậu và dép lê không được thiết kế dành cho việc đi bộ hàng giờ đồng hồ. Chúng chỉ dành cho việc thư giãn quanh hồ bơi hoặc trên bãi biển. Các loại dép này cũng làm tăng nguy cơ trượt ngã. Do vậy, bạn không nên lạm dụng các loại dép này.

Cẩn thận nếu bạn bị tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh về dây thần kinh đôi khi có thể bị mất cảm giác ở bàn chân. Điều này có nghĩa là không phải lúc nào họ cũng cảm nhận được nếu có dị vật vướng vào giữa chân và dép gây tổn thương bàn chân. Những người này nên chọn đi giày thay vì dép quai hâu hoặc dép lê.

Chọn dép với loại quai phù hợp: Bạn nên chọn các loại dép có quai mềm hơn và bản to hơn nếu có thể, đồng thời đảm bảo rằng quai dép không tì đè lên vùng mô có xương bên dưới của bàn chân.

Thay dép mới khi cần: Các đôi dép dù có đảm bảo chất lượng và khả năng nâng đỡ thì cũng có thể bị mòn dần theo thời gian. Bạn có thể dựa vào đế dép để biết được rằng bạn đã cần thay dép mới hay chưa. Hãy thử đặt dép lên bàn và ngồi xuống sao cho dép ở ngang tầm mắt bạn. Nếu bạn thấy dép không hoàn toàn phẳng xuống mặt bàn, có lẽ bạn cần mua một đôi dép mới.

Luôn thử dép trước khi mua: Bàn chân của mỗi người lại có những đặc điểm khác nhau, do đó bạn luôn luôn nên mang thử dép trước khi quyết định mua. Hãy đến tận cửa hàng để có thể tự mình thử dép và chọn những đôi dép có đế chống sốc, có độ cong vòm hợp lý và có phần lót gót chân để giúp nâng đỡ chân tốt hơn.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/9-meo-cham-soc-ban-chan-khi-di-dep-quai-hau-hoac-dep-le/20220112095525628