Vì dịch bệnh, nhiều người Mỹ tự cô lập ở nhà, không giao tiếp với bên ngoài. Các chuyên gia nhận định điều này đang gây nên làn sóng hikikomori vốn xuất phát từ Nhật Bản.
Carol W. Berman, trợ lý giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York (Mỹ), điều trị chứng rối loạn lưỡng cực cho bệnh nhân tên là Alice từ năm 2004.
Alice, vốn là người năng động và hay đi lại, bắt đầu từ chối rời khỏi nhà sau quá trình phục hồi thể chất kéo dài vì chấn thương cột sống.
Không có chẩn đoán thông thường nào như trầm cảm, lo lắng hoặc sợ hãi giải thích cho việc rút lui khỏi xã hội của Alice. Điều này tiếp tục diễn ra sau khi cô uống thuốc ổn định tâm trạng.
Bệnh nhân mắc các chứng này thường mong muốn được ở bên người khác, nhưng Alice lại ngừng giao tiếp với bên ngoài.
Vì dịch bệnh, nhiều người Mỹ tự cô lập ở nhà, không giao tiếp với bên ngoài. Ảnh: Anita Anand/Getty.
Nhớ lại nghiên cứu năm 2010 của các đồng nghiệp từ Đại học California, San Francisco, Berman cho rằng Alice đang trải qua hikikomori, hội chứng cô lập xã hội cực đoan xuất phát từ Nhật Bản, chủ yếu mô tả những người đàn ông trẻ tự giam mình ở nhà thay vì đi học hoặc làm việc, theo Scientific American.
Nghiên cứu trên đề xuất các tiêu chí chẩn đoán vẫn chưa được công nhận ở Mỹ. Trong đó, định nghĩa về hikikomori được mở rộng để bao gồm tất cả cá nhân ở nhà hầu như cả ngày trong vòng hơn 6 tháng, liên tục tránh các mối quan hệ và hoạt động xã hội.
Sau 5 năm trị liệu tâm lý, Berman giúp Alice dần tái hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến khiến cô một lần nữa tự nhốt mình trong nhà.
Xu hướng đang gia tăng
Xu hướng tự cô lập của một số người đã tiêm vaccine trong thời gian tỷ lệ mắc Covid-19 tương đối thấp được gọi là hội chứng hang động.
Hikikomori là bệnh tâm thần mạn tính bắt nguồn từ nỗi sợ tiếp xúc với người khác. Trong khi đó, hội chứng hang động là tình trạng tạm thời mất khả năng điều chỉnh các thói quen xã hội cơ bản, ví như không gặp bạn bè hoặc đi ăn ở nhà hàng.
Theo Berman, hội chứng hang động có thể là sự khởi đầu của hikikomori.
Gần đây, hikikomori đang gia tăng ở các quốc gia phương Tây. Phần lớn nghiên cứu dịch tễ học về hội chứng này từng được thực hiện ở một số nước châu Á. Một nghiên cứu năm 2010 ước tính 1,2% dân số Nhật Bản là hikikomori. Cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy tỷ lệ phổ biến của hikikomori ở Hong Kong (Trung Quốc) là 2,6%.
Ban đầu, hikikomori được coi là hội chứng ràng buộc về văn hóa. Tuy nhiên, một số báo cáo về trường hợp liên quan được công bố ở các quốc gia ngoài Nhật Bản như Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Nigeria.
Hai nghiên cứu về trường hợp người Mỹ mắc hội chứng hikikomori được báo cáo trong thập kỷ qua. Một cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Buffalo thực hiện cho thấy 2,7% sinh viên ở Mỹ được hỏi từng là hikikomori trong quá khứ.
Ngoài những nghiên cứu này, không có cuộc điều tra có hệ thống nào về sự phổ biến của hikikomori ở Mỹ. Do đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của xứ cờ hoa được cho là không đủ để giúp hàng nghìn người có thể mắc hội chứng này, bao gồm những người như Alice.
Theo chuyên gia, Covid-19 khiến làn sóng hikikomori lan đến các quốc gia phương Tây. Ảnh: Hans Lucas/AFP.
Các nhà nghiên cứu và bác sĩ tâm thần người Mỹ phần lớn không biết về hikikomori bởi nó giống chứng rối loạn lo âu xã hội hoặc ám ảnh sợ khoảng trống. Đây là một số căn bệnh mà Berman từng nghĩ ảnh hưởng đến Alice cho đến khi tìm hiểu sâu hơn.
Những rối loạn này xem tình trạng rút lui khỏi xã hội như một triệu chứng. Tuy nhiên, Alice không cải thiện khi dùng thuốc. Hơn nữa, cô phủ nhận việc có những cơn hoảng loạn - dấu hiệu của chứng ám ảnh sợ khoảng trống.
Berman quyết định tập trung vào liệu pháp tâm lý và phát hiện rằng việc tự cô lập của Alice bắt nguồn từ suy nghĩ cô không thuộc về thế giới bên ngoài, chứ không đơn thuần chỉ là lo lắng về các hoạt động xã hội.
Cần được công nhận rộng rãi
Một trở ngại khác đối với việc chấp nhận hikikomori trên toàn cầu được cho là xuất phát từ cái tên tiếng Nhật và điều kiện dành riêng cho đất nước này. Ngoài ra, vấn đề lớn hơn là sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần và lối sống ẩn dật được bình thường hóa bởi đại dịch.
Nhiều rào cản khiến những người tự cô lập ở nhà không nhận được sự quan tâm đầy đủ. Cụ thể là sự phụ thuộc vào người chăm sóc và khó tiếp cận bác sĩ.
Để ngăn mọi người tiến triển thành hikikomori, theo Berman, cần khuyến khích thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, những cá nhân sống khép kín với xã hội và có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc mệt mỏi, rời khỏi nhà để tập thể dục hoặc gặp gỡ người khác.
Người mắc hội chứng hikikomori cần được giúp đỡ để tái hòa nhập xã hội. Ảnh: Asataka Namazu/Sinopix-Rea.
Trong tình huống ai đó liên tục từ chối được chăm sóc hoặc phủ nhận bản chất của sự cô lập, họ cần được giúp đỡ để tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý. Các trung tâm cộng đồng địa phương có thể tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội và hỗ trợ sức khỏe tại nhà.
Đại dịch đã khiến cuộc sống của con người trở nên bấp bênh. Thế giới đang dần mở lại nhưng ở khía cạnh khác, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, việc đóng cửa một lần nữa có thể xảy ra.
Trong khi nhiều người sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường mới khi cảm thấy an toàn, một số khác lại không như vậy. Trong suốt đại dịch Covid-19, những người Mỹ như Alice đang phải chiến đấu với trận chiến dài và phức tạp hơn để tái hòa nhập xã hội.
Nguồn: https://zingnews.vn/covid-19-khien-nhieu-nguoi-my-khong-muon-ra-khoi-nha-post1291706.html
-
Những sai lầm quen thuộc khi ăn thịt gà cần bỏ ngay kẻo rước bệnh
-
Bạn có để dầu ô liu gần bếp? Đây là lý do tại sao không nên làm điều đó!
-
Đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 của giảng viên trở về từ Italia
-
6 thực phẩm dù đói đến mấy cũng tuyệt đối không ăn vào buổi tối
-
Những tác hại khôn lường khi nhuộm tóc thường xuyên
-
Ngoài Vạn Niên Thanh vẫn còn nhiều loại cây cảnh gây chết người
-
Tylenol là thuốc gì, dùng thế nào cho đúng?
-
7 loại thảo dược hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết tại nhà
-
Bệnh viện 108: Cắt bỏ thành công khối u buồng trứng khổng lồ của cụ bà 71 tuổi
-
Thường xuyên làm điều này khi ân ái, cô gái tổn thương tử cung