Những lưu ý khi quyết định tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ

ngày 01/11/2021

Người lớn hay trẻ em sau khi tiêm vaccine đều có những phản ứng phụ. Vậy với vaccine COVID-19 sử dụng cho trẻ em, các gia đình và các bậc phụ huynh cần lưu ý gì trước khi quyết định đồng ý cho trẻ tiêm vaccine, cũng như theo dõi sau tiêm thế nào?

Bên lề cuộc tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố về triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi trên toàn quốc, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển đã trả lời phóng viên về nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ em.

Theo ông Điển, qua những số liệu đã ghi nhận, chưa thấy có trường hợp trẻ tử vong vì viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine. Mặc dù tỷ lệ rất thấp, nhưng trong quá trình chuẩn bị nhằm đảm bảo kế hoạch tiêm chủng an toàn, Bệnh viện Nhi T.Ư đã mời chuyên gia về tim mạch tham gia tập huấn để các bệnh viện trên cả nước và cả hệ thống tiêm chủng hiểu về khái niệm liên quan đến viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển.

“Các chuyên gia đã nêu rõ những dấu hiệu nhận biết sớm nhất ở trẻ theo từng nhóm tuổi để xử trí kịp thời, không để đến khi trẻ có triệu chứng huyết áp thấp… mới có biện pháp xử trí. Các gia đình cũng cần theo dõi trẻ cẩn thận trong quá trình tiêm”, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư nói.

Cũng theo ông Điển, Bộ Y tế đã công bố Quyết định 5002 dựa trên Công văn về tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam đang thực hiện cho trẻ em, theo đó, Hội đồng chuyên môn đã họp và đưa ra được quy trình sàng lọc tiêm chủng riêng cho trẻ em với vaccine COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển khẳng định, tiêu chí là “sàng lọc thật tinh” nhưng không bỏ qua, đồng thời có tiêu chí về chống chỉ định, tiêm trì hoãn và tiêm tại bệnh viện. Trong đó, tiêm tại bệnh viện là những trẻ có bệnh trong nhóm bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính hoặc có phản ứng, phản vệ độ 3 ở bất cứ dị nguyên nào, hoặc nghe tim phổi bất thường…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có những khuyến cáo về tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi, nhưng đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền. Trong nhi khoa bệnh nền thấp hơn so với người lớn rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ bệnh cao huyết áp hay đái đường ở trẻ thấp hơn rất nhiều, tuy nhiên, vẫn có những tình trạng bệnh lý bẩm sinh.

Với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, cha mẹ, thậm chí trẻ đều đã nắm rõ về bệnh nền để lưu ý khi đến tiêm tại bệnh viện.

“Ngoài ra, nhóm trẻ chúng ta đang rất cần bảo vệ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong khi mắc COVID-19 là nhóm mắc bệnh mạn tính như ung thư, bệnh về máu hay bệnh thận… Đây là nhóm trẻ cần phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Tôi cũng đề nghị tiêm vaccine với tất cả nhóm trẻ này tại bệnh viện để yên tâm hơn trong quá trình tiêm. Các tỉnh, thành đều có một vài bệnh viện triển khai tiêm. Như vậy, từ ngay tại cộng đồng, tại trường học hoặc trạm y tế… có thể gửi danh sách để đưa trẻ đến địa điểm tiêm vaccine COVID-19 ở bệnh viện”, ông Điển nhấn mạnh.

Sáng 27/10, TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Đây là địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi.

Quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc “Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em”, trong đó có lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng...

Với trẻ dưới 12 tuổi, kế hoạch tiêm sẽ được tính đến sau khi triển khai tiêm phủ tốt cho nhóm 12 đến dưới 18 tuổi và khi có vaccine về. Bộ Y tế hướng dẫn trường hợp trẻ đủ điều kiện, trì hoãn, thận trọng tiêm vaccine phòng COVID-19./.

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nhung-luu-y-khi-quyet-dinh-tiem-vaccine-covid-19-cho-tre-901982.vov