Ai cần tiêm vắc xin quai bị? Hướng dẫn chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị

ngày 02/04/2021

1. Đối tượng nào cần tiêm vắc xin quai bị? 1.1. Chỉ định

- Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi cần chủng ngừa bệnh quai bị như một phần của lịch tiêm chủng thông thường. Trẻ em cần tiêm 2 liều vắc-xin quai bị MMR để đảm bảo vắc xin đạt hiệu quả cao nhất. Nên tiêm cho trẻ ở 12 đến 15 tháng tuổi liều đầu tiên. Từ 4 đến 6 tuổi đối với liều thứ hai (hoặc sớm hơn miễn là cách 28 ngày sau liều đầu tiên).

Trẻ em từ 1 đến 12 tuổi có thể chủng ngừa MMRV, là một loại vắc-xin kết hợp cũng bảo vệ chống lại bệnh sởi, rubella, quai bị và thủy đậu.

- Người lớn có thể cần phải chủng ngừa bệnh quai bị nếu họ không được chủng ngừa khi còn nhỏ. Nói chung, người lớn từ 18 tuổi trở lên chưa bị quai bị cần tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng bệnh. Những đối tượng nhạy cảm, dễ mắc bệnh hơn có thể cần tiêm 2 liều. Hãy nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của mình để được tư vấn tiêm chủng phù hợp nhất.

Tiêm đúng chỉ định sẽ giúp đảm bảo an toàn và việc chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. (Ảnh Internet)

1.2. Chống chỉ định

Bạn không nên tiêm vắc xin quai bị nếu bạn:

- Đang mang thai.

- Bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.

- Đã từng xảy ra phản ứng nguy hiểm đến tính mạng ở lần tiêm vắc xin quai bị trước.

- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin ( ví dụ như neomycin, một loại kháng sinh đôi khi được sử dụng trong vắc-xin).

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vắc xin quai bị nếu bạn:

- Bị HIV/AIDS.

- Bị bệnh lao.

- Bị ung thư.

- Đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn.

- Có tiền sử bị tiểu cầu thấp (rối loạn máu).

- Đã tiêm một loại vắc xin khác trong tháng qua.

- Gần đây đã được truyền máu hoặc được cung cấp các sản phẩm máu khác, như huyết tương.

Nếu bạn bị ốm, bạn có thể cần đợi cho đến khi cảm thấy khỏe hơn để tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị.

2. Hướng dẫn chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị

- Sau khi tiêm vắc xin quai bị, bạn không nên rời khỏi trung tâm tiêm chủng. Bạn nên đợi ít nhất 30 phút để chắc chắn không bị sốc phản vệ hoặc có các phản ứng phụ nguy hiểm đến tính mạng. Ở lại trung tâm tiêm chủng giúp cho việc cấp cứu và chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị được tiến hành kịp thời nếu không may xảy ra các tình huống xấu.

Đối với trẻ em, cần tiếp tục theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ đầu sau tiêm: tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, ban đỏ trên da... để đảm bảo an toàn.

Cần theo dõi và chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị sát sao để kịp thời xử lý các phản ứng phụ nghiêm trọng. (Ảnh Internet)

- Vị trí tiêm có thể bị đau, đỏ, châm chích, sưng tấy. Nếu thấy quá khó chịu, hãy chườm lạnh lên khu vực này trong khoảng 10 - 20 phút.

- Nếu bị sốt, hãy hạ sốt vật lý bằng cách lau và chườm cơ thể bằng khăn ấm. Có thể uống acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) nếu bạn bị sốt nhẹ sau khi tiêm MMR. Chú ý không sử dụng aspirin để hạ sốt vì nó có thể gây ra hội chứng Reye, một căn bệnh khá nghiêm trọng.

- Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Aleve) nếu khớp của bạn cảm thấy đau hoặc cứng sau khi tiêm MMR. Chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.

- Phát bạn nhẹ từ 1 đến 2 tuần sau khi chủng ngừa MMR là tác dụng phụ có thể xảy ra. Và nó không đáng lo ngại. Nó thường biến mất mà không cần điều trị và chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị đặc biệt. Tuy nhiên hãy gọi cho bác sĩ nếu các nốt phát ban không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn.

Những trường hợp không nên tự chăm sóc sau tiêm vắc xin quai bị, cần gọi cấp cứu:

- Sốt cao, sốt kéo dài không hạ, sốt kèm co giật.

- Xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể là phát ban khắp cơ thể, sưng miệng - môi - lưỡi hoặc cổ họng, khó thở, ngứa mũi hoặc mắt, hôn mê,....

- Trẻ khóc từ 3 giờ trở lên trong vòng 2 ngày sau khi tiêm.

Hãy nhớ theo dõi chặt chẽ những thay đổi về sức khỏe của bạn sau khi tiêm để có biện pháp can thiệp nhanh chóng và kịp thời.

Nguồn Phụ Nữ VN