Bộ Y tế thu hồi 4 loại thuốc điều trị tăng mỡ máu

ngày 20/04/2022

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu thu hồi toàn bộ các thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg có tác dụng điều trị tăng mỡ máu và nguy cơ cao về tim mạch.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở đăng ký, nhập khẩu thuốc phối hợp với cơ sở sản xuất gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc, tiến hành thu hồi toàn bộ các thuốc chứa hoạt chất nêu trên, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 1/5/2022.

Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi 4 loại thuốc điều trị tăng mỡ máu và nguy cơ cao về tim mạch.

Sở Y tế các tỉnh thành phố, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc, thu hồi thuốc nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện quyết định này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Được biết, thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg sử dụng cho bệnh nhân tăng cholesterol máu nặng và có nguy cơ cao về tim mạch.

Rofast 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci) 40mg; Viên nén bao phim; SĐK: VN-22058-19.

Lipidorox 40mg (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin 40 mg); Viên nén bao phim; SĐK: VD-1507-06

Crestor (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin calcium 40mg Rosuvastatin); Viên nén bao phim; SĐK: VN-8438-09

Avitop 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci 40mg); Viên nén bao phim; SĐK: VN-19620-16.

Theo các chuyên gia y tế, khi xét nghiệm mỡ máu, ngoài chỉ số cholesterol toàn phần, còn có các chỉ số như liporotein tỷ trọng thấp (LDL-c) - cholesterol xấu và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-c) - cholesterol tốt.

Một người được gọi là mỡ máu cao khi LDL-c tăng và HDL-c giảm. Ngoài ra, một thành phần khác của mỡ máu - đó là triglycerid (hay còn gọi là chất béo trung tính) đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Khi chỉ số của triglycerid cao cũng là nguy cơ gây xơ vữa động mạch.

Triglycerid cao thường gặp ở người thừa cân béo phì, ít vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều.

Nếu thành phần này tăng, có nguy cơ kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-c và giảm HDL-c, dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch cao hơn.

Đối với các trường hợp bị rối loạn mỡ máu nhẹ, không mắc kèm theo bệnh đái tháo đường, mạch vành, tăng huyết áp, không hút thuốc… chỉ với thay đổi lối sống lành mạnh: Tăng cường luyện tập thể lực, thực hiện chế độ ăn kiêng (hạn chế mỡ động vật, thực phẩm nhiều cholesterol, nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive, các loại quả hạch, đậu đỗ và cá, bỏ rượu bia, thuốc lá…) cũng có thể đưa mỡ máu về chỉ số an toàn.

Chuyên gia khuyến cáo chỉ sau khi đã thực hiện các biện pháp không dùng thuốc nhưng vẫn không đưa được chỉ số mỡ máu về tới mức mong muốn thì mới sử dụng thuốc.

Nguồn: https://congly.vn/bo-y-te-thu-hoi-4-loai-thuoc-dieu-tri-tang-mo-mau-206366.html