Ngày 10/12, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công cùng lúc 2 ca ghép thận đặc biệt khó cho 2 cặp bệnh nhân, trong đó một cặp người nhận có hiệu giá kháng thể cao và một cặp khác nhóm máu Rh (nhóm máu hiếm, Rh-).
Sau gần nửa tháng điều trị, ngày 10/12, các bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, thận ghép có chức năng tốt.
Cặp ghép thận thứ nhất là bố Trịnh Xuân L (59 tuổi, xã Minh Khôi, huyện Nông Cống) hiến thận cho con gái là Trịnh Thị P (37 tuổi, xã Trường Giang, huyện Nông Cống).
Chị P phát hiện suy thận mạn từ tháng 1/2020 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần. Bệnh nhân nhiễm viêm gan virus B và có hiệu giá kháng thể cao (87%).
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng, việc ghép thận cho bệnh nhân có hiệu giá kháng thể cao như trường hợp bệnh nhân Trịnh Thị P ở một bệnh viện tuyến tỉnh là một việc tương đối khó khăn.
Để ca ghép thành công, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra sau ghép vì khả năng thải ghép ở bệnh nhân này tương đối cao, cộng với sự bùng phát trở lại của virus viêm gan B có thể xảy ra.
Sau thời gian sàng lọc và điều trị trước ghép, sáng 26/11, bệnh nhân Trịnh Thị P được ghép thận thành công bởi các phẫu thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và dưới sự giám sát của các chuyên gia thuộc Trung tâm Ghép tạng-Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Hiện sức khỏe của chị P đã dần ổn định, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép và cận lâm sàng khác trong giới hạn bình thường.
Cặp ghép thận thứ 2 cũng được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện trong ngày 26/11 là của bệnh nhân Đỗ Xuân V (27 tuổi, phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa) và người hiến thận là chị Hà Thị L (52 tuổi, phường An Hưng, Thành phố Thanh Hóa), mẹ ruột của bệnh nhân. Bệnh nhân Đỗ Xuân V phát hiện suy thận từ tháng 6/2020 và chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần.
Điều đặc biệt ở cặp ghép này là người hiến thận mang nhóm máu A, Rh (+), còn người nhận thận mang nhóm máu A, Rh (-).
Qua kết quả khảo sát, đánh giá chức năng thận cho thấy cả hai bên thận của người hiến đều có hai động mạch, gồm một động mạch chính và một động mạch phụ, đây là thách thức rất lớn đối với kíp phẫu thuật vì quá trình phẫu thuật nội soi lấy thận ghép, quá trình rửa và ghép thận sẽ gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi các phẫu thuật viên phải thành thạo về kỹ năng, thận trọng và tỉ mỉ khi phẫu thuật.
Bác sỹ Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Trưởng kíp phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân Đỗ Xuân V chia sẻ: "Bệnh nhân Đỗ Xuân V mang nhóm máu hiếm vì chỉ có khoảng 0,1% dân số Việt Nam mang nhóm máu này. Vì thế, sau khi chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị và huy động nguồn máu hiến từ những thành viên trong "Câu lạc bộ những người mang nhóm máu hiếm Rh(-)" tại Thanh Hóa để truyền cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết; đồng thời hội chẩn cùng với các chuyên gia của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chúng tôi đã tự tin tiến hành ghép thận cho ca đặc biệt này.
Sau ghép 2 tuần, cả người cho và người nhận của hai ca ghép toàn trạng ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường.
Hai người hiến thận được thực hiện phẫu thuật nội soi lấy thận nên ngay sau ca ghép đều nhanh chóng hồi phục sức khỏe và trở về với cuộc sống thường ngày."
Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khẳng định sự thành công của 2 ca ghép thận là một quá trình chuẩn bị, nỗ lực cố gắng của tập thể y, bác sỹ bệnh viện, trong đó có êkíp tham gia đào tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bám sát chuyên môn, nắm bắt kỹ thuật nên khi thực hiện kỹ thuật chuyển giao đã thành công."
Ghép thận là một kỹ thuật khó, việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến tỉnh trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sẽ mở ra những cơ hội sống cho người bệnh.
Bên cạnh đó, việc điều trị ngay tại địa phương sẽ giúp bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời, giảm chi phí, không phải đi xa và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên./.