Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong ba giai đoạn của thai kỳ tại cơ sở y tế để được quản lý, theo dõi sức khoẻ của mẹ và thai nhi và được tư vấn về chăm sóc thai nghén, chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sinh đẻ an toàn.
Chăm sóc phụ nữ mang thai
Theo cuốn thông điệp Làm mẹ an toàn của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, phụ nữ mang thai cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), cần ăn tăng bữa và mỗi bữa ăn nhiều hơn để mẹ khỏe, con khỏe. Không hút thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu bia, nước trà đặc và cà phê.
Phụ nữ mang thai uống 1 viên sắt - axít folic hoặc viên đa vi chất đều đặn mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai cho đến hết 1 tháng sau sinh để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và phòng dị tật ở thai nhi. Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn ván đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Phụ nữ mang thai không làm việc nặng, không tiếp xúc với chất độc hại và ít nhất 4 tuần trước khi sinh chỉ làm việc nhẹ nhàng. Phụ nữ mang thai cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt là vùng sinh dục và vú, mặc quần áo rộng rãi.
Phụ nữ mang thai và gia đình cần chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đẻ (dự kiến nơi sinh, chuẩn bị thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân, Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em hoặc Sổ khám thai, tiền, phương tiện vận chuyển, người hỗ trợ, đồ dùng cho mẹ và cho bé). Phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh không nên đi xa để có thể kịp thời đến cơ sở y tế sinh con.
Hãy đưa ngay phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào để được cứu chữa kịp thời. Đừng vì sợ dịch bệnh, thiếu tiền, đi lại khó khăn mà chậm đưa phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm vì có thể đe dọa tính mạng.
Phụ nữ mang thai cần sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn tính mạng cho cả mẹ và con. Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Sử dụng "Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ - trẻ em" ngay khi bắt đầu có thai để biết cách chăm sóc, theo dõi phụ nữ trong quá trình mang thai.
Đăng ký thai nghén và khám thai định kỳ
Cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần (lần 1 vào 3 tháng đầu, lần 2 vào 3 tháng giữa, lần 3 và lần 4 vào 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén) để được theo dõi sức khoẻ và tư vấn. Khám thai không phải chỉ là siêu âm.
Ngoài khám thai định kỳ, bà mẹ cần đi khám ngay bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu bất thường. Khám thai lần đầu ngay khi chậm kinh, trong vòng 3 tháng đầu để xác định có thai hay không, để hẹn lịch khám thai tiếp theo và lịch tiêm phòng uốn ván, được kiểm tra sức khỏe của mẹ, được tư vấn các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con (như giang mai, viêm gan B, HIV…), sàng lọc tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ, được tư vấn về sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện bất thường ở thai nhi.
Khám thai lần thứ hai vào 3 tháng giữa của thai kỳ (từ tháng thứ 4 đến đủ 6 tháng) để kiểm tra xem thai có phát triển bình thường không, để theo dõi sức khỏe của mẹ và sàng lọc đái tháo đường thai kỳ,
Khám thai lần thứ ba và lần thứ tư vào 3 tháng cuối của thai kỳ để theo dõi sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, được tư vấn dự kiến ngày sinh, được tư vấn chuẩn bị cho cuộc đẻ và lựa chọn nơi sinh.
Khi có dịch bệnh, phụ nữ mang thai cần giữ đúng lịch khám thai và cần gọi điện đặt lịch khám để giảm thời gian chờ và tránh tiếp xúc với nhiều người. Phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khi đi khám thai trong thời gian có dịch bệnh.
Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế để phòng bệnh uốn ván cho cả con và mẹ. Vắc xin phòng uốn ván không có hại cho mẹ và thai nhi. Người chồng và gia đình nhắc nhở, giúp đỡ người phụ nữ mang thai để được tiêm đầy đủ các lần tiêm phòng uốn ván: Lần 1 tiêm sớm khi phát hiện có thai. Lần 2 tiêm sau lần đầu 1 tháng và ít nhất trước khi sinh 1 tháng. Nếu trước khi mang thai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván hoặc vắc xin có thành phần uốn ván thì chỉ cần tiêm 1 mũi trong lần mang thai này.
nguồn: suckhoedoisong
-
70% bệnh nhân COVID-19 kéo dài bị 2 triệu chứng này
-
Những lợi ích của hạnh nhân đối với sức khỏe
-
Kéo dài thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày
-
Muốn da dầu không bị xuống cấp chị em nên tránh xa 4 sản phẩm skincare sau
-
Giải pháp giúp người gầy tăng cân an toàn, hiệu quả
-
Cứ uống nước lại thấy xuất hiện 4 dấu hiệu này chứng tỏ bệnh nặng, khám ngay lập tức
-
Thai ngoài tử cung có dễ tái phát?
-
4 lá bắp cải giúp 'da trắng như trứng gà bóc'
-
Tiền Giang cách ly khẩn cấp 1 trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tại TP. HCM
-
Trị sạch nám lâu năm chỉ tốn 2 nghìn đồng mỗi ngày