Một số món ăn đơn giản phòng bệnh hô hấp trong mùa đông

ngày 25/11/2024

Vào mùa đông, khí trời chuyển lạnh, hanh khô… tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh hô hấp phát tác. Một số món ăn có tác dụng phòng ngừa các bệnh đường hô hấp trong mùa đông.

Trong y học cổ truyền phế chủ khí, chủ mọi hô hấp trong cơ thể. Tạng phế khỏe mạnh thì thông khí tốt, hơi thở đều đặn, nhẹ nhàng.

Phế thông điều thủy đạo (tạng phế ví như một nhà máy nước trong cơ thể, tiếp nhận, xử lý và bài tiết chất thải qua đường mồ hôi, nước tiểu). Nếu phế mất tuyên thông thì cơ thể phù thũng, tiểu tiện bất lợi...

Do vậy vào mùa đông, thời tiết rất dễ khiến cho tạng phế bị tổn thương, gây các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, nổi gai ốc…

Để hạn chế tổn thương phế trong mùa đông khô lạnh, chúng ta cần ủ ấm cơ thể, bổ sung chế độ ăn bằng một số thực phẩm có tác dụng ‘bảo vệ’ tạng phế, giúp loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và ‘tăng sức đề kháng’ cho tạng phế.

Dưới đây là một số món ăn dưỡng phế trong mùa đông:

1. Món ăn từ quả cam dưỡng phế

Một số món ăn đơn giản phòng bệnh hô hấp trong mùa đông- Ảnh 1.

Quả cam có nhiều công dụng tốt cho phế.

Quả cam có nhiều công dụng tốt cho phế. Thịt cam có vị ngọt, chua và tính ấm, có tác dụng nhuận phổi, giải khát vào mùa đông hanh khô, nhất là ở miền Bắc. Ngoài ra, cam có tính ấm nên rất an toàn cho người tỳ vị yếu.

Một số cách sử dụng cam dưỡng phế:

- Có thể sử dụng trực tiếp, dùng 200g - 300g/ngày, tùy thể trạng.

- Nấu cam với vỏ cam, thêm mật ong hoặc đường phèn tùy khẩu vị.

- Vỏ cam khô dùng hãm trà uống, giúp nhuận phế, tiêu đờm, hạn chế các bệnh lý đường hô hấp trên: Dùng 8-10g vỏ cam khô, hãm với 200ml nước nóng, dùng làm trà uống.

- Khi bị cảm lạnh, ho, ngứa họng, có nhiều đờm, dùng vỏ cam tươi, nướng đến khi cháy xém vỏ, sau đó gọt bỏ phần cháy đi và ăn khi còn nóng.

Lưu ý: Cùi cam chua dễ tích tụ đờm, nên không phù hợp với người có nhiều đờm.

Một số món ăn đơn giản phòng bệnh hô hấp trong mùa đông- Ảnh 2.

Quả lê có tác dụng làm ẩm phổi, thông họng, giảm đau họng.

2. Món ăn từ quả lê

Vào mùa đông, khí dương tích trữ trong cơ thể, không khí khô dễ tổn thương phổi âm, gây khô da, tóc, khô họng, miệng, mũi… Ăn lê vào thời điểm này có thể làm ẩm phổi, bên cạnh đó còn có lợi cho ruột già và ruột non, giảm ho, loại bỏ đờm, làm thông họng, giảm đau họng, giảm khó chịu và tình trạng háo nước.

Lê rất giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm sự tích tụ các chất có hại trong cơ thể và hấp thu cholesterol, đồng thời có tác dụng nhuận tràng, giảm tích tụ mỡ.

Một số cách sử dụng lê dưỡng phế:

- Ăn lê sống có thể thanh nhiệt lục phủ tạng, trị ho có đờm màu vàng.

- Ăn lê nấu chín có thể bổ âm ngũ tạng: Hấp cách thủy lê trong 10 - 15 phút rồi ăn.

- Dùng riêng lê hấp chín hoặc có thể kết hợp với 3-4 quả táo đỏ, 2-3 lát gừng tươi để trung hòa tính lạnh của lê.

- Ngoài ra, có thể kết hợp với hoa huệ, nấm trắng.. để làm cho da tươi nhuận hơn.

Lưu ý: Người bị bệnh dạ dày, tiêu chảy, phụ nữ mang thai nên nấu chín lê để ăn.

Một số món ăn đơn giản phòng bệnh hô hấp trong mùa đông- Ảnh 3.

Húng chanh có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn ở đường hô hấp trên.

3. Bài thuốc từ húng chanh

Húng chanh có lẽ không còn xa lạ trong cuộc sống dân gian của người Việt. Húng chanh vị cay, tính nóng; có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn ở đường hô hấp trên như vi khuẩn lao, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu, nấm… kháng khuẩn ở đường hô hấp rất tốt.

Cách sử dụng húng dưỡng phế:

- Dùng lá tươi, khoảng 5-7 lá sắc nước uống hoặc nhai trực tiếp, nuốt nước dần.

- Hoặc dùng lá tươi thái nhỏ, hấp với đường phèn hoặc mật ong (tùy khẩu vị) để uống.

Lưu ý: Húng chanh có thể dùng được cho trẻ nhỏ và người lớn.

Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm đôi chân và hai bàn tay, để hạn chế tình trạng nhiễm lạnh; tập luyện thể thao 30 phút/ngày; cần ăn ngủ nghỉ khoa học và hạn chế đi ra ngoài trời khi nhiệt độ giảm sâu.

Bài viết trên chỉ mang tính tham khảo, khi sử dụng bất kỳ thuốc y học cổ truyền để phòng và trị bệnh, cần tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong