Đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội, cách nào phòng biến chứng suy đa tạng?

ngày 11/10/2019

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vào điều trị tăng cao, do tháng 9 đến tháng 12 hàng năm thường là cao điểm của dịch bệnh này ở miền Bắc.

Trong tháng 9 vừa qua, tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 427 trường hợp mắc SXH đến khám, điều trị. Hiện ở Khoa Virus-Ký sinh trùng của bệnh viện này cũng có khoảng 70 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị.

Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, trong số các bệnh nhân mắc SXH đang điều trị, không ít ca biến chứng nặng. Đặc biệt, có một số ca biến chứng gây suy đa tạng, tổn thương gan, sốc.

Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng phải nằm thở máy. Ảnh: Báo Tin tức.

Trong các biến chứng do sốt xuất huyết thì nặng nhất là tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận. Hai biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh. Một biến chứng thường gặp nữa là tổn thương một số cơ quan nội tạng như suy gan, não, suy hô hấp, thận. Đặc biệt, những bệnh nhân đã có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu... thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Nếu đã bị giảm tiểu cầu, bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.

Theo cảnh báo từ bác sĩ, nếu người dân bị sốt, có các dấu hiệu nghi SXH thì cần đến sở y tế để khám và làm xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng nặng của SXH Dengue.

Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết để ngăn ngừa biến chứng

Thực tế, có nhiều người chưa hiểu hết về bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và cách điều trị như thế nào để ngăn ngừa biến chứng. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn. Do vậy, việc xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh là rất cần thiết để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn. Ảnh: Internet.

Giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 - 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho người bệnh.

Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn (12-24 giờ): Cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay khi biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.

Giai đoạn nhập viện thời gian dài (>24 giờ): Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở...

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).

Khi bệnh SXH trở nặng, người bệnh cần được truyền dịch đúng và được theo dõi sát sao tại bệnh viện bởi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ phương tiện để theo dõi.


Nguồn: Báo Kiến Thức