Có nên cách ly vùng dịch virus corona ở Vĩnh Phúc?

ngày 11/02/2020

Sáng 11/2, Bộ Y tế công bố thêm trường hợp dương tính với virus corona là bệnh nhi 3 tháng tuổi sống tại Vĩnh Phúc, được xác định lây nhiễm từ bà ngoại. Đây là ca bệnh thứ 15 dương tính với virus corona ở Việt Nam và là bệnh nhân thứ 10 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước số người nhiễm nCoV tại địa phương này vẫn không ngừng gia tăng, chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo chính quyền địa phương cần làm triệt để công tác cách ly, nâng cao ý thức của người dân và sẵn sàng các biện pháp để ngăn dịch lan rộng.

Gần 250 người tiếp xúc gần với bệnh nhân

Giữa tháng 11/2019, Nihon Plast Vietnam - một doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ôtô nằm trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - cử 8 nhân viên người Việt sang Vũ Hán (Trung Quốc) đào tạo. Ngày 17/1, nhóm này về nước.

Chiều 30/1, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả 3 người thuộc nhóm này dương tính với virus corona, đó là chị N.T.T. (25 tuổi, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), anh P.V.C. (29 tuổi, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) và chị N.T.D (23 tuổi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau đó, liên tiếp trong ngày 3 và 4/2, thêm 2 công nhân trong nhóm được kết luận dương tính với virus corona, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 5 người.

Lúc này, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu 3 công nhân còn lại đi cách ly bắt buộc tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo. Trước đó, 3 người này được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.

Khu cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hồng Quang.

Động thái cách ly của chính quyền địa phương không làm số ca nhiễm virus corona dừng lại. Thêm một công nhân và 4 người có tiếp xúc gần với chị N.T.D. bao gồm mẹ, em gái, cháu gái và hàng xóm của nữ bệnh nhân này có kết quả dương tính với dịch bệnh.

Tới chiều 10/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết số trường hợp có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính được theo dõi đã lên đến 249 người.

Có thể áp dụng những biện pháp mạnh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tình hình dịch ở Vĩnh Phúc không chỉ có bệnh nhân “xâm nhập” mà đã có sự lây lan trong cộng đồng. Công tác phòng chống dịch tại tỉnh địa phương này cần phải quyết liệt hơn nữa, đặc biệt ở tuyến cơ sở.

Trước mắt phải biết bệnh nhân này đã đi đến đâu, đã tiếp xúc với những ai, kể cả huyện khác, tỉnh khác (nếu có) để thông báo cho chính quyền và cơ quan y tế sở tại điều tra những người tiếp xúc. TS Trần Đắc Phu cho rằng phải nắm được tất cả các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly, hướng dẫn họ và gia đình phòng bệnh kịp thời, không để dịch lan ra diện rộng.

“Việc cách ly tại nhà đòi hỏi cán bộ thực hiện phải làm có trách nhiệm và quyết liệt, đồng thời người dân cần có ý thức tuân thủ. Nếu một trong hai yếu tố đó không được đảm bảo thì việc cách ly gần như không có ý nghĩa”, ông nói.

Chính quyền tiến hành phun khử khuẩn tại các địa bàn có dịch. Ảnh: UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các chiến dịch khử khuẩn tại các hộ gia đình thường xuyên, đúng cách. Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian tới, Vĩnh Phúc nói riêng và các địa phương có dịch nói chung cần chú trọng việc cách ly và đẩy mạnh việc khử khuẩn, sát trùng. Tùy theo diễn biến của dịch mà ngành y tế cần có những giải pháp thích nghi, không loại trừ những biện pháp mạnh hơn.

“Có thể áp dụng những biện pháp mạnh để chống dịch lây lan, ví dụ như cách ly địa lý. Tuy nhiên phải tùy vào tình hình dịch, tính toán thời điểm phù hợp, đồng thời khi áp dụng cần tiến hành một cách khéo léo và khoa học. Tốt nhất trong lúc này, tại các địa phương đang có dịch người dân không nên tụ tập đông người kể cả nhóm nhỏ, không đi lại giao lưu khi không cần thiết”, ông Phu nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác xây dựng bệnh viện dã chiến trong đêm. Ảnh: UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải việc lập ra danh sách, sau đó giám sát mọi hoạt động của từng cá nhân có tiếp xúc gần với người bệnh là rất khó. Theo báo cáo của các cán bộ y tế cơ sở, mặc dù đã được tuyên truyền và cảnh báo nhưng vẫn có người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly.

“Trong ngày 10/1, chúng tôi đã bắt đầu đưa hơn 80 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân lên cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng khẩn trương cho xây dựng một bệnh viện dã chiến hơn 200 giường tại khu vực thành phố Vĩnh Yên. Quyết tâm không để dịch lan rộng”, ông Hải nói.


Nguồn: Báo Zing