Chuyên gia cảnh báo nhiều sai lầm trong phòng, chữa bệnh béo phì cho trẻ em

ngày 18/11/2022

TS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, có tình trạng nhiều phụ huynh áp dụng chế độ ăn kiêng của người lớn cho trẻ, nhiều người khác thấy con béo phì là cắt ngay sữa... đó đều là những sai lầm.

Khám cho trẻ béo phì

Tại hội nghị tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì do Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam nhấn mạnh, béo phì là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi béo phì gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tỷ lệ béo phì ở nước ta những năm gần đây gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

GS.TS Trần Hữu Dàng nêu, trong thực tế điều trị, bệnh béo phì chưa được quan tâm đúng mức. Đa số người bị béo phì khá vất vả với cuộc chiến giảm cân, không ít trường hợp tự tìm đến các loại thuốc trôi nổi trên mạng, khiến tiền mất, tật mang.

TS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, dù tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì tương đương nhau, nhưng thực tế có tới 75% trẻ tới khám ở viện này là do suy dinh dưỡng, 25% trẻ còn lại được đưa đi khám do cha mẹ lo ngại thừa cân, béo phì. Lý do vì vẫn còn nhiều phụ huynh quan niệm “béo khỏe, béo đẹp”. Số cân dư là ‘của để dành’ nên chưa thấy lo lắng.

Với trẻ em, nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì là do dinh dưỡng. Theo TS Nga, có nhiều sai lầm trong điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em. Nhiều người quan niệm “trẻ em là người lớn thu nhỏ”, áp dụng chế độ ăn kiêng của người lớn cho trẻ.

Trong khi đó, với trẻ em, kể cả trẻ béo phì, việc phát triển chiều cao rất quan trọng. Vì thế, cha mẹ phải cân đối, giảm thực phẩm có hại cho sức khỏe nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp vi chất cho trẻ.

“Hầu hết trẻ thừa cân, béo phì đến khám ở Viện Dinh dưỡng được xét nghiệm máu đều phát hiện thiếu hụt vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển chiều cao của trẻ như canxi, vitamin D, kẽm… Theo cơ chế, béo phì gây ra rối loạn về hấp thu, tăng thải canxi, vì thế trẻ béo phì, thừa cân hay bị yếu” – bác sĩ Nga cho biết, đồng thời nêu thêm: thực tế nhiều cha mẹ thấy con béo phì là cắt ngay sữa, đó là sai lầm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để tránh béo phì, người dân hãy ăn nhiều rau xanh luộc, các loại trái cây ít ngọt, chọn gạo lứt, khoai lang... thay vì ăn nhiều gạo trắng. Bên cạnh đó, duy trì vận động từ 30-60 phút mỗi ngày. Hạn chế các chất béo xấu như bánh, nước ngọt, các loại sốt, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh; ngủ muộn; ít hoạt động...

Nguồn: anninhthudo.vn