Chủng cúm lợn mới ở Trung Quốc: Việt Nam đừng lơ là

ngày 01/07/2020

Các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc vừa phát hiện một chủng virus cúm lợn mới có khả năng lây sang người và gây ra đại dịch.

Chủng cúm lợn mới tên G4, có nguồn gốc từ chủng cúm lợn H1N1 từng gây ra đại dịch vào năm 2009. Chủng virus mới này hiện đang được phát hiện trên ít nhất 10 tỉnh thành tại Trung Quốc.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, lợn là một vùng trộn lý tưởng về mặt sinh học của virus
cúm vì chúng có thể nhiễm cả virus cúm gia cầm, cúm lợn và cúm người. Nếu virus cúm H5N1 và H1N1 tái tổ hợp với nhau thì rất tạo ra một chủng virus cúm mới hoàn toàn, khi ấy nó sẽ phá hủy sự miễn dịch của cộng đồng, lây từ lợn sang người và từ người sang người và nguy cơ trở thành một đại dịch phải được tính đến.

Nhân viên thú y khử trùng một trại chăn nuôi heo ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bởi Việt Nam ở ngay cạnh Trung Quốc, lại thường xuất lợn to sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, đồng thời nhập lợn giống từ Trung Quốc về qua cửa khẩu Hữu Nghị và một số đường tiểu ngạch nên theo PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, phải hết sức cảnh giác.

"Việc ngăn chặn là không thể vì Việt Nam và Trung Quốc vẫn buôn bán qua tiểu ngạch, đường mòn lối mở. Đặc biệt, dù ở trong nước đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất lợn giống lớn, nhưng vẫn không đủ, nguồn lợn cung cấp cho bà con chăn nuôi nhỏ lẻ vì thế phải hết sức chú ý.

Việc phòng ngừa, ngăn chặn phải làm mạnh mẽ, chặt chẽ hơn, nhất là ở trong thời điểm này khi thế giới đang bận đối phó với dịch bệnh Covid-19, dễ lơ là, mất cảnh giác", vị chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về cúm gia cầm nói.

Bởi vậy, ông tán thành khuyến cáo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, rằng việc kiểm soát virus virus G4 EA H1N1 ở lợn và theo dõi chặt chẽ trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người lao động chăn nuôi, giết mổ lợn, cần được triển khai khẩn cấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, việc trao đổi mua bán lợn giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm này cần được kiểm soát chặt chẽ, các trại lợn ở Việt Nam phải thực hiện an toàn sinh học như đã thực hiện khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi để phát hiện kịp thời; Nhập các thiết bị phát hiện nhanh, đồng thời siết chặt các trạm kiểm dịch.

"Năm 2009, khi cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu, lây lan từ người sang người, các nhà khoa học đã dự đoán 3 khả năng: Thứ nhất: khi có miễn dịch trong quần thể nó sẽ trở thành cúm thường. Thứ hai, nó có thể trở nên có độc lực cao và lây lan nhanh giữa người với người, gây ra tỷ lệ tử vong lớn. Thứ ba, nó có thể tự nhiên biến mất như virus trong dịch SARS.

Cuối cùng, dịch cúm A/H1N1 biến mất. Giờ đây, lại tiếp tục xuất hiện chủng virus cúm lợn mới, nếu lây giữa người giữa người và cường độc thì rất nguy hiểm. Dĩ nhiên nó sẽ có biến đổi phù hợp để có thể tồn tại", PGS.TS Nguyễn Bá Hiên cho biết.

Vị chuyên gia khẳng định, Việt Nam có đủ khả năng để phát hiện chủng virus cúm lợn mới. Theo đó, các phòng thí nghiệm có kỹ thuật PCR để xét nghiệm; đặc biệt với một chủng virus nguy hiểm như vậy, các nước tiên tiến sẽ làm típ chẩn đoán nhanh và chỉ cần xử lý trong vài phút hay vài tiếng là có thể trả lời câu hỏi Yes/No để phát hiện virus.

"Chúng ta tuyệt đối không thể lơ là. Từ trước tới nay, trong nông nghiệp, nhiều dịch bệnh như lợn tai xanh, lở mồm long móng... đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và lây lan sang Việt Nam. Chưa kể, ngành chăn nuôi của Trung Quốc dù lớn nhưng chưa đảm bảo an toàn sinh học, nên Việt Nam càng phải cảnh giác", PGS.TS Nguyễn Bá Hiên nhấn mạnh.

Đước biết, từ năm 2011-2018, các nhà nghiên cứu đã lấy 30.000 mẫu dịch trong miệng lợn ở nhiều lò mổ và một bệnh viện thú y tại 10 tỉnh Trung Quốc, phát hiện 179 mẫu virus cúm lợn, trong đó đa số là một chủng mới xuất hiện từ năm 2016.

Các cuộc nghiên cứu sau đó cho thấy loại cúm mới gây một số triệu chứng như sốt, ho và hắt hơi. Virus G4 có khả năng lây nhiễm cao, phát triển nhanh trong tế bào người và gây nhiều triệu chứng nguy hiểm hơn các loại virus khác.

Mặt khác, kháng thể sau khi bị nhiễm cúm mùa không giúp con người miễn nhiễm với G4. Mẫu xét nghiệm máu cho thấy 10,4% người lao động tiếp xúc với lợn đã bị nhiễm G4 và khoảng 4,4% dân số có thể đã bị nhiễm.

Ngày 30/6, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho biết WHO sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của Trung Quốc về chủng virus cúm mới được phát hiện ở lợn.

"Chúng tôi sẽ đọc cẩn thận báo cáo (của Trung Quốc) để hiểu về chủng virus mới", người phát ngôn WHO nói và nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là cần hợp tác để nghiên cứu về phát hiện này và kiểm tra tổng số các đàn lợn.

Theo đại diện WHO, nghiên cứu này cho thấy con người chưa thể lơ là cảnh giác đối với dịch cúm và cần thận trọng, tiếp tục theo dõi mọi diễn biến dịch bệnh.


Nguồn: Báo Đất Việt