Chi gần 600 triệu sinh con ở BV quốc tế, bệnh nhân TP.HCM cầu cứu vì trải nghiệm 'ám ảnh'

ngày 12/03/2022

Tháng 5/2021, chị H. sinh con và bị băng huyết tại Bệnh viện FV. Tháng 12/2021, chị đưa con trai 7 tháng tuổi đến đây cấp cứu vì bị bỏng. Cả hai lần, theo chị, đều là những ám ảnh nặng nề.

Hai lần vào viện và ký ức đeo đẳng
Theo phản ánh của chị H.A.H, ngày 14/5/2021, chị đến Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM) để đặt thuốc giục sinh theo ngả âm đạo. Sau 19h, chị được bác sĩ sản khoa đặt thuốc và yêu cầu nằm chờ theo dõi. Hơn 21h, chị H. được cho về phòng nghỉ ngơi, chờ sinh. Sau đó, chị đau và ra máu.

“Tôi bị đau, cơ thể run rẩy, máu chảy không ngớt, gục ngã trong nhà vệ sinh. Đêm đó tôi dùng đến 8 cái bỉm cho sản phụ vì nhiều máu quá. Nhưng, tôi và chồng liên tục gọi hộ sinh, họ chỉ vào 2 lần kiểm tra và nói tình trạng bình thường, chờ cổ tử cung mở 4cm.

Tôi vẫn đau nhưng vô vọng. Đến hơn 1h sáng ngày 15/5, tôi gần như nghẹt thở, tim thai suy, bác sĩ thấy tình hình nguy cấp nên đưa tôi đi mổ cấp cứu bắt con”, chị H. kể.

Bệnh nhân H. và đơn cầu cứu gửi Sở Y tế TP.HCM.

Sau hơn 2 ngày, chị tỉnh dậy tại phòng Hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện và không hiểu điều gì đã xảy ra. Bác sĩ Đ., người trực tiếp thăm khám nói rằng, chị bị băng huyết sau sinh, phải truyền 4,5 lít máu, bị viêm phổi cấp, suy thận cấp và bệnh viện đã cứu chữa.

Tuy nhiên, chị H. cho rằng, nếu nhân viên y tế trong đêm 14/5 theo dõi sát sao, quan tâm đến tình trạng bệnh nhân, chị sẽ không bị mất máu kéo dài nghiêm trọng và đối mặt với những ngày điều trị căng thẳng, đau đớn như vậy.

“Sự tắc trách đó khiến tôi trải qua kỳ sinh nở tưởng như không thể trở về nhìn mặt đứa con mới chào đời. Cơ thể suy kiệt, run rẩy, ám ảnh và từ bỏ ý định mang thai vì sợ phải thêm một lần trải nghiệm.

Ai cũng đau đẻ, sinh con, tại sao với tôi lại đau đớn như vậy?”. Phản hồi, khiếu nại về vấn đề trên, chị nhận được phúc đáp của Bệnh viện FV ngày 17/6/2021, rằng không có sai sót trong các dịch vụ bệnh viện cung cấp.

Sự việc vẫn chưa ngã ngũ nhưng 6 tháng sau, gia đình chị tiếp tục đưa con trai đến Bệnh viện FV để cấp cứu vết bỏng bàn tay trái.

“Khi đó dịch bệnh, con bị bỏng, rất xót ruột nên tôi chỉ có thể đến bệnh viện nào gần nhất để cấp cứu. Chúng tôi chờ 1 tiếng đồng hồ ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV, mới được bác sĩ D. đến và cầm theo quyển Cẩm nang y khoa để khám cho con tôi”.

Theo chị H., sau khi uống và bôi thuốc theo đơn kê tại đây, vết thương của con diễn tiến nặng hơn. Cậu bé xảy ra tình trạng nôn ói nghiêm trọng kéo dài đến tận hôm nay. Tại một bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP.HCM, bé được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày.

Chị cho rằng, bác sĩ D. không có chuyên môn trị bỏng và đã kê sai đơn thuốc dẫn đến vết thương của con trai trở nặng, bé phải tập vật lý trị liệu để đảm bảo chức năng bàn tay. Cụ thể là thuốc bôi Silvirin 1% (Silver sulfadiazine) và thuốc uống Alphachymotrypsine.

Những hình ảnh em bé nôn ói, vết bỏng sau khi điều trị... do chị H. lưu giữ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi qua email, điện thoại cũng như trực tiếp đến bệnh viện, chị nhận thấy cách xử lý và phản hồi không thỏa đáng. Theo chị H. "bệnh viện không muốn đối thoại, thách thức bệnh nhân".

"Ban đầu, điều gia đình tôi cần là một lời xin lỗi vì trải qua kỳ sinh nở đau đớn. Nhưng khi sự việc xảy ra với con trai, tôi không thể chấp nhận được. Đó là tính mạng, sức khỏe của mẹ con tôi. Hay tôi xui nên cả 2 lần đều là những trải nghiệm ám ảnh?

Chị H. cho hay, lần sinh con và điều trị bỏng có tổng chi phí khoàng 600 triệu đồng, chưa kể hơn 100 triệu tiền khám trong 9 tháng thai kỳ.

“Chúng tôi chọn Bệnh viện FV vì chồng tôi là người nước ngoài. Anh kỳ vọng sẽ cùng tôi chào đứa con đầu lòng với những điều kiện tốt nhất ở một bệnh viện quốc tế, nhưng không…”.

Ngày 11/3, bệnh nhân đã chính thức gửi đơn cầu cứu đến Sở Y tế TP.HCM, gọi điện cầu cứu đến Bộ Y tế, đề nghị Hội đồng chuyên môn cấp Sở, Bộ làm rõ vấn đề chuyên môn một cách khách quan, công tâm. Đồng thời, sẽ làm rõ chuyện bị xúc phạm danh dự. Chị H. cho hay, khi sự việc xảy ra, ban đầu, chị chỉ gửi đơn khiếu nại để làm rõ vấn đề y khoa.

“Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, tôi sẵn sàng ra tòa. Nếu ở Việt Nam không xong, tôi sẽ khởi kiện từ Mỹ. Bồi thường hay không, đó là chuyện của pháp luật.

Tôi chỉ cần công bằng”, chị H. nói.

Bệnh viện FV khẳng định không có sai sót chuyên môn

Bệnh viện FV đã có thông tin chính thức về vụ việc vào ngày 11/3.

Theo đó, Bệnh viện FV đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn trong ngày 10/3 với sự tham gia của chuyên gia sản khoa độc lập tại TP.HCM, giám đốc và phó giám đốc Y khoa Bệnh viện, đại diện các khoa có liên quan.

Hội đồng chuyên môn kết luận, Bệnh viện FV và bác sĩ Đ. không có vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn.

Bệnh viện FV đã chẩn đoán kịp thời băng huyết sau sinh và xử trí phù hợp để cứu chữa cho bệnh nhân H. Đây là một biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ ca sinh nở nào và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ngay cả ở các nước phát triển.

Bác sĩ Đ. đã theo dõi hậu sản cho bệnh nhân hơn 2 tháng sau sinh và bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.

Bệnh viện cũng cho rằng, các bác sĩ đã xử lý y khoa kịp thời – phù hợp để cứu được tính mạng chị H. trong cơn nguy kịch, bảo tồn được tử cung và nỗ lực duy trì khả năng sinh con của bệnh nhân sau này. Do đó, thông tin bệnh viện làm cho bệnh nhân H. “mất đi khả năng sinh con” là thiếu căn cứ.

Bệnh nhân H. được theo dõi tại phòng Chăm sóc đặc biệt chuyên sâu (ICU) và sau đó tại phòng Chăm sóc đặc biệt (HDU). Việc mất nhiều máu đã dẫn đến tình trạng sốc xuất huyết, gây nên suy thận cấp.

Theo chị H., sau khi bôi thuốc tay bé diễn tiến nặng hơn ban đầu.

Về vụ việc điều trị vết bỏng bàn tay cho con bệnh nhân H., Bệnh viện FV cũng lập Hội đồng chuyên môn và kết luận không có sai sót.

Bệnh viện khẳng định: “Thuốc Alphachymotrypsine được kê toa để giảm viêm vì vậy việc kê toa thuốc này để điều trị vết bỏng độ 2 không phải là một sai sót, mặc dù hiệu quả của nó có thể thấp.

Thuốc này hoàn toàn không chống chỉ định ở trẻ em và chưa bao giờ là nguyên nhân của vấn đề nôn ói hoặc loét dạ dày”.

Ở cuộc họp y khoa ngày 15/2 trước đó, bệnh viện kết luận, bỏng độ 2 với diện tích nhỏ, như trường hợp con trai chị H. - không cần bác sĩ chuyên khoa bỏng mà có thể được điều trị bởi bác sĩ Khoa cấp cứu, bác sĩ Khoa nhi, bác sĩ Khoa phẫu thuật bàn tay.

“Bệnh viện FV khẳng định rằng bệnh viện không có sai sót chuyên môn trong cả quá trình sinh con của bà H. cũng như trong quá trình điều trị bỏng cho con trai của bà tại Bệnh viện FV”, thông báo nêu.

Nguồn tin từ Sở Y tế TP.HCM xác nhận, ngày hôm qua 11/3, thanh tra Sở đã tiếp nhận đơn cầu cứu của bà H. (1990, ngụ tại quận 7). Theo đó, đơn có nội dung cầu cứu về việc Bệnh viện FV tắc trách làm bà H. bị băng huyết trước và trong quá trình sinh nở, cấp cứu chậm, kê sai đơn làm tay con bà nặng trở nặng. 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nu-benh-nhan-tp-hcm-cau-cuu-vi-trai-nghiem-am-anh-o-benh-vien-quoc-te-822155.html