Chàm sữa ở trẻ do đâu, dùng thuốc nào để chữa?

ngày 29/10/2021

Chàm sữa là một bệnh chàm thể tạng. Đây là một dạng viêm da mạn tính không lây, thường gặp từ 1 tháng đến 2 tuổi. Ở trẻ có cơ địa dị ứng hoặc trong gia đình có người có cơ địa dị ứng thì dễ mắc bệnh hơn. Vậy dùng thuốc trị như thế nào?

1. Chàm sữa do đâu?

Chàm sữa có tính chất gia đình (trong nhà có người bị dị ứng: Nổi mề đay, chàm, hen…). Khi gặp tác nhân gây dị ứng (bụi bẩn, lông động vật nuôi, thực phẩm…) thì tình trạng dị ứng được kích hoạt và biểu hiện ngoài da hoặc nhiều cơ quan khác.

Cũng giống như các bệnh dị ứng khác, chàm sữa là một dạng bệnh dị ứng biểu hiện ngoài da, thường xuất hiện đối xứng nhau ở 2 bên gò má của trẻ.

Biểu hiện nổi bật của chàm sữa là các dát đỏ nổi 2 bên má đối xứng.

Khởi đầu là xuất hiện các dát đỏ, sau đó nổi sẩn lên và tạo thành mụn nước li ti. Các mụn này rỉ nước và đóng mày sau đó tróc vảy, có thể lan xuống cằm, da đầu, trán nhưng không có ở mắt, mũi, miệng. Chàm sữa khiến trẻ ngứa nhiều, biểu hiện lấy tay cào gãi hay dụi má.

Việc chẩn đoán chàm sữa là khá dễ dàng mà không cần bất cứ xét nghiệm nào. Tuy nhiên cần phân biệt với bệnh "lác đồng tiền", hay còn gọi là bệnh hắc lào. Hắc lào là một tổn thương đa dạng, có hình tròn hay bầu dục như đồng tiền. Bệnh gây ra bởi nấm, hay gặp ở vùng da ẩm như bẹn, mặt trong đùi và rất ngứa.

Thông thường phải có yếu tố làm trẻ khởi phát đợt chàm. Có tới 30-40% trẻ bị chàm sữa do dị ứng sữa bò. Chàm sữa có thể gặp ở trẻ ăn sữa công thức hoặc trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nhưng mẹ hay ăn/uống các chế phẩm chứa đạm bò: Thịt bò, phô mai, sữa bò… Nếu đạm bò là nguyên nhân gây dị ứng thì ngoài chàm sữa, trẻ có thể có thêm biểu hiện khác: Đi ngoài phân có máu, nổi mề đay, thở khò khè…

Ngoài ra, các yếu tố khác như thực phẩm, không khí, thú nuôi, các chất kích ứng da như xà phòng tắm, bột giặt quần áo, thuốc tẩy, vải len, khí hậu nóng - lạnh hay khô quá... cũng có thể là yếu tố khiến trẻ nổi chàm.

2. Điều trị chàm sữa như thế nào?

Xác định được nguyên nhân khởi phát đợt chàm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị chàm sữa. Trước hết cần hạn chế, loại bỏ các yếu tố đó.

Về điều trị chàm sữa bao gồm các bước:

- Giữ ẩm cho da của trẻ: Các sản phẩm giữ ẩm nên dùng loại dịu nhẹ, dành cho da trẻ sơ sinh. Có thể dùng 1 trong các loại sau: Cetaphil, ceradan, physioge. Nên thoa kem ngày 2-4 lần, tốt nhất trong vòng 3 phút ngay sau tắm.

Khi mua kem dưỡng ẩm, phụ huynh chỉ nên chọn kem đã được kiểm nghiệm, cấp phép. Không mua các loại thuốc dân gian theo kinh nghiệm hay mách bảo. Không chọn loại kem có nhiều mùi thơm. Các hương thơm này sẽ gây kích ứng da và tình trạng chàm của trẻ có thể tiến triển nặng hơn. Tốt nhất là nên chọn lựa kem theo đơn của bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ da liễu.

- Sử dụng kem chống viêm: Trong giai đoạn cấp, cần sử dụng kem corticoid thoa tại chỗ. Nên dùng các thuốc chứa corticoid dạng nhẹ, như: Hydrocortisol 1%, clobetasol butyrate 0,05 % thoa ngày 1-2 lần. Phụ huynh cần lưu ý về hàm lượng khi mua thuốc bôi cho trẻ.

Nên chọn các sản phẩm kem bôi phù hợp với da của trẻ.

Những loại thuốc mỡ có chứa chất kháng viêm corticoid này, dù là dạng nhẹ, nhưng phụ huynh tuyệt đối không được lạm dụng. Những thuốc này có hiệu quả rất nhanh, dường như có tác dụng tức thời sau dùng một thời gian ngắn khiến chàm lặn đi và trẻ hết ngứa. Do đó rất dễ làm phụ huynh lạm dụng.

Các thuốc corticoid bôi ngoài da cho trẻ dù hàm lượng thấp, nhẹ, nhưng nếu lạm dụng vẫn có khả năng thấm vào máu gây tác dụng toàn thân, gây hại cho trẻ.

Các thuốc như: Eumovate, gentrisone... chỉ dùng khi trẻ bị chàm nặng và có chỉ định của bác sĩ. Với trẻ sang thương đang bội nhiễm, rỉ dịch nhiều, có thể cho trẻ bôi kem millian 1% hoặc eosine 2%, thoa ngày 2 lần.

- Dùng thuốc điều trị triệu chứng: Do trẻ bị chàm sữa sẽ rất ngứa ngáy, khó chịu, do đó có thể sử dụng nhóm thuốc kháng histamin (chlopheniramin, alimemazin...) để giảm ngứa cho trẻ.

- Dùng kháng sinh khi nào?: Chàm là một thể bệnh cơ địa dị ứng, do đó kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh. Tuy nhiên, chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Lúc này cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ da liễu để đươc khám và chỉ định thuốc kháng sinh.

Kháng sinh ưu tiện chọn loại có hoạt tính lên tụ cầu vàng như: Cephalexin, cefadroxyl, oxacillin, erythromycin...

3. Chăm sóc trẻ bị chàm sữa

Nên tắm nước ấm cho trẻ ngày 1-2 lần, thời gian tắm dưới 15 phút, không nên ngâm trẻ quá lâu.
Nên chọn sữa tắm dịu nhẹ, lành với làn da của trẻ: Cetaphil. physiogel, oilatum...
Lau khô cho trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, thấm nhẹ nhàng, không lau mạnh hoặc chà xát lên da của trẻ.
Sau khi tắm xong, nên thoa chất giữ ẩm thường xuyên.
Không cho trẻ tiếp xúc với chất kiềm: xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy… Tức là cần lựa chọn xà phòng giặt dành riêng cho trẻ sơ sinh.
Không xức nước hoa, không thoa phấn rôm.
Quần áo nên chọn sản phẩm cotton 100%. Không mặc đồ chật , vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.
Nên cắt móng tay thường xuyên cho trẻ. Với trẻ nhỏ nên đi bao tay để tránh trẻ cào gãi gây tổn thương nhiều hơn.
Không nuôi động vật, không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, phòng của trẻ phải thoáng, nhiệt độ và độ ẩm trong phòng hợp lý.
Nếu biết trẻ bị dị ứng với thực phẩm nào, cần loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//cham-sua-o-tre-do-dau-dung-thuoc-nao-de-chua-169211025090157071.htm