Cảnh báo rủi ro khi lạm dụng melatonin trị mất ngủ

ngày 23/04/2022

Khi giấc ngủ không đến một cách tự nhiên, một số người đã sử dụng melatonin, một chất hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng melatonin cũng cần thận trọng…

1. Vai trò của melatonin với giấc ngủ

Melatonin là một hormon giúp điều hòa giấc ngủ và nhịp sinh học, đóng một vai trò trong chu kỳ ngủ-thức tự nhiên của bạn. Mức melatonin tự nhiên trong máu cao nhất vào ban đêm và giảm dần khi mặt trời mọc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các chất bổ sung melatonin có thể hữu ích trong việc điều trị các rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như giai đoạn ngủ muộn và giúp giảm bớt chứng mất ngủ và trễ máy bay.

Cần thận trọng khi dùng melatonin điều trị mất ngủ.

2. Những rủi ro khi dùng melatonin không đúng2.1. Ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể

Mới đây, một điều tra của Học viện y học về giấc ngủ Hoa Kỳ đã xem xét sự an toàn của melatonin. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, melatonin không nên sử dụng cho tất cả các chứng mất ngủ. Các chuyên gia cho hay, hormone này có thể hỗ trợ giấc ngủ, nhưng cũng ảnh hưởng đến các chức năng khác trong cơ thể: Nhiệt độ cơ thể, lượng đường trong máu, mạch máu...

2.2. Lạm dụng melatonin tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ

Thông thường các chuyên gia khuyên, người bệnh khi sử dụng melatonin trị mất ngủ có thể bắt đầu với liều lượng nhỏ nhất (khoảng 0,5 mg đến 1 mg). Nếu sau đó người bệnh không ngủ được có thể tăng liều dần đến tối đa là 5 mg. Tuy nhiên, theo các đánh giá, sử dụng với liều cao hơn chưa chắc đã hiệu quả hơn, thậm chí có thể khiến bạn buồn ngủ ngay cả khi không muốn ngủ.

Ngoài ra, việc dùng tăng liều hormon này còn làm tăng các tác dụng phụ (cơn động kinh nghiêm trọng, thay đổi nhịp tim, huyết áp, giảm dung nạp glucose...).

Tuy nhiên, melatonin chỉ an toàn khi sử dụng ngắn hạn. Nếu sử dụng melatonin lâu dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể, gây hại. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng melatonin như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ (vào sáng hôm sau)... Không khuyến khích sử dụng melatonin cho những người muốn mang thai hoặc cho con bú.

2.3. Sản phẩm phối hợp có thể ảnh hưởng đến tim mạch

Ngoài melatonin, một số sản phẩm có thể kết hợp melatonin với serotonin (một chất dẫn truyền truyền thần kinh).

Trong khi melatonin thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể và chu kỳ ngủ - thức thì serotonin có liên quan đến tâm trạng và giúp tạo ra giấc ngủ REM sâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thêm serotonin với số lượng không xác định có thể không tốt cho sức khỏe. Serotonin có thể ảnh hưởng đến tim, mạch máu và não. Những người dùng thuốc điều trị rối loạn tâm trạng có thể bị ảnh hưởng đặc biệt bởi serotonin trong thuốc hỗ trợ giấc ngủ.

Các chuyên gia cho hay, melatonin có thể hỗ trợ giấc ngủ, nhưng cũng ảnh hưởng đến các chức năng khác trong cơ thể: Nhiệt độ cơ thể, lượng đường trong máu, mạch máu.

2.4. Tương tác với các thuốc khác

Nên tránh dùng melatonin cho những người đang dùng các thuốc trị bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, rối loạn co giật, thuốc ức chế miễn dịch... Ngoài ra, melatonin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm ở một số trường hợp. Tránh dùng cùng với các thuốc benzodiazepin, codein, rượu và barbiturat... vì có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc.

Chính vì thế, các chuyên gia khuyên, trước khi dùng sản phẩm melatonin để trị mất ngủ cần đọc kỹ hướng dẫn, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//canh-bao-rui-ro-khi-lam-dung-melatonin-tri-mat-ngu-1692204221211393.htm