Ông Hồ Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen vừa có công văn hỏa tốc gửi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức Học viện Quân y; Hội đồng đạo đức Viện Pasteur TPHCM về kết quả nghiên cứu vắc xin Nano Covax ước tính hiệu quả bảo vệ dựa trên kết quả sinh miễn dịch.
Kết quả nghiên cứu do Viện Pasteur TPHCM thực hiện, là một phần trong nghiên cứu giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax. Theo đo, các nhà khoa học đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà virus bằng PRNT50 của những người đã tiêm vắc xin Nano Covax, so sánh với người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của 112 tình nguyện viên tại thời điểm 42 ngày sau tiêm mũi 1 vắc xin Nano Covax, sau đó thực hiện xét nghiệm trung hoà giảm đám hoại tử (PRNT) với virus SARS-CoV-2 sống trên nuôi cấy tế bào (PRNT 50) tại phòng xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM. Đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà bằng PRT50 là "tiêu chuẩn vàng" để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không.
Trong phòng thí nghiệm, máu của người tiêm vắc xin sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ. Kết quả này so sánh với 16 mẫu huyết thanh của nhóm bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, lấy tại thời điểm trung bình 36,4 ngày từ khi có kết quả chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này có 1 trường hợp không triệu chứng; 3 trường hợp mức độ nhẹ và 12 trường hợp có mức độ trung bình trở lên.
Nhóm nghiên cứu báo cáo, hiệu giá kháng thể trung hoà của vắc xin Nano Covax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng. Sau khi tiêm vắc xin 3 tháng, hàm lượng kháng thể đặc hiệu của người tiêm Nano Covax vẫn cao hơn nhóm khỏi bệnh.
Dựa trên kết quả này, Nanogen tiếp tục xin Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp. Phía Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng đang làm đánh giá trên biến thể Delta (Ấn Độ), bước đầu vắc xin Nano Covax có khả năng trung hoà biến chủng này.
Hiện tại, vắc xin Nanocovax đang hoàn tất mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng pha 3b, dự kiến hoàn tất trước ngày 15/8.
Trước đó ngày 2/8, GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã làm việc và chủ trì cuộc họp trực tuyến với các nhà khoa học bao gồm lãnh đạo Cục Khoa học – Công nghệ Đào tạo (Bộ Y tế), Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM rà soát tiến độ, thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng, đôn đốc báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2, 3 (a,b) của vắc xin Nano Covax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất.
Báo cáo của Công ty cho biết, hiện nay Công ty đang triển khai theo đề cương nghiên cứu, pha 3 được thử nghiệm trên 13.000 người, chia làm 2 giai đoạn nhỏ (3a: 1.000 người và 3b: 12.000 người).
Kết quả D42 (ngày thứ 42 sau tiêm) của 1.000 người pha 3a được thu thập cho thấy: 100% đối tượng được tiêm Nano Covax có kháng thể trung hòa Surrogate trên ngưỡng 30%; 99.2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S gấp 4 lần so với nền.
Tiếp tục theo dõi 1.000 đối tượng giai đoạn 3a và 12.000 đối tượng pha 3b theo đề cương nghiên cứu.
Bên cạnh việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm cho khoảng 500.000 - 1.000.000 người)
Sau khi nghe báo cáo kết luận của các chuyên gia đầu ngành, GS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế rất mong, mong sớm có vắc xin tự sản xuất trong nước để bảo vệ người dân, để chúng ta chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc về vắc xin nhập khẩu.
“Có tín hiệu mừng, vui là vắc xin an toàn và có tính sinh miễn dịch tương đối cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa có dữ liệu chắc chắn bảo vệ của vắc xin đến đâu, chúng ta cần chờ thêm thời gian và kết quả nghiên cứu”, GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Bộ Y tế đề nghị Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, trước ngày 15/8 phải gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3, từ đó Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Nguồn Tienphong