Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Mức độ gia tăng này vượt ra khỏi dự đoán của các tổ chức y tế.
GS, TS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh.
Đây là thông tin đáng chú ý về bệnh đái tháo đường được GS, TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ tại "Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022".
Theo Giáo sư Dàng, các thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỷ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP Hồ Chí Minh là 2,5%.
Theo kết quả điều tra năm 2012, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán.
So sánh giữa số liệu thống kê của năm 2002 và năm 2012 thì tỷ lệ mắc đái tháo đường ở Việt Nam tăng tới 211%. Mới đây, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Rõ ràng tần suất mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh.
Chuyên gia này nhận định, đái tháo đường là một bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Đồng thời, về phương diện kinh tế-xã hội, đái tháo đường là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp.
Thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường, bao gồm: giáo dục tự chăm sóc, điều trị dinh dưỡng y học, hoạt động thể lực, ngưng thuốc lá và điều trị tâm lý.
Đái tháo đường tuýp 2 là bệnh mạn tính, diễn biến âm thầm. Điều trị dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường.
Dưới đây là các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường được chuyên gia khuyến nghị:
Kiểm soát cân nặng và khẩu phần năng lượng
Nếu bệnh nhân thừa cân béo phì, mục tiêu thường cần giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể.
Giảm cân nặng mức độ vừa có thể làm chậm sự tiến triển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường tuýp 2.
Việc cắt giảm tổng năng lượng trong chế độ ăn giúp: Giảm đường huyết; Giảm được liều thuốc; Giảm cân; Cải thiện chất lượng sống.
Muốn giảm cân, người bệnh cần thực hiện: Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút, hầu hết các ngày trong tuần; Điều chỉnh khẩu phần ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chất bột đường
Chất bột đường trong thức ăn giúp tạo năng lượng cho cơ thể. Nếu dùng quá nhiều có thể làm tăng đường trong máu. Ăn lượng chất bột đường ổn định trong bữa ăn sẽ giúp ổn định đường huyết dễ dàng hơn.
Nên giảm ăn thực phẩm chứa bột đường tinh chế như: bánh, kẹo, kem, bánh mì trắng..., giảm bổ sung đường vào các món ăn.
Nên ăn bột đường có trong rau, củ quả họ đậu, trái cây, sữa và ngũ cốc nguyên hạt.
Bệnh nhân tiểu đường cũng nên tránh đồ uống có đường (bao gồm cả nước trái cây, mật ong). Uống quá nhiều nước trái cây cũng có thể làm tăng đường huyết và tăng mỡ máu.
Chất đạm
Chất đạm ít tác động lên đường máu. Bệnh nhân đái tháo đường nên tham vấn ý kiến bác sĩ nên ăn bao nhiêu đạm mỗi ngày.
Theo khuyến nghị của chuyên gia, bệnh nhân có đái tháo đường kèm bệnh thận nên duy trì khẩu phần đạm hằng ngày 0,8g/kg/ngày.
Chất béo
Lượng chất béo (dầu/mỡ) toàn phần chiếm khoảng 20 đến dưới 30% tổng năng lượng trong khẩu phần.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nên ăn giới hạn tỷ lệ chất béo bão hòa (như mỡ động vật, da động vật, phủ tạng động vật) và thay bằng chất béo không bão hòa (như dầu olive, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu/bơ đậu phộng...).
Không nên ăn chất béo trans hay chất béo chuyển hóa có nhiều trong các thức ăn đã qua chế biến như: bánh ngọt, bánh kem, đồ ăn nhanh (gà rán, pizza, khoai tây chiên), bắp rang bơ, snack, mì ăn liền...
Chất béo bão hòa và chất béo trans có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch (ví dụ: nhồi máu cơ tim). Nên ăn thực phẩm giàu acid béo chuỗi dài n-3 như cá nhiều mỡ và các loại hạt (hạt óc chó, hạt macca, hạt hạnh nhân...).
Chất xơ
Chất xơ giúp kéo dài thời gian hấp thu glucose tại ống tiêu hóa làm chậm tăng glucose máu sau bữa ăn. Chất xơ còn giúp giảm hấp thu cholesterol, chống táo bón, có hiệu quả trong phòng ung thư đại tràng.
Chất xơ có nhiều trong các loại rau lá, vỏ cám của hạt gạo, vỏ ngoài của các loại quả. Lượng chất xơ tối thiểu trong khẩu phần của người bệnh đái tháo đường là 15g/ngày hoặc 14g/1000kcal/ngày.
Nguồn: nhandan.vn
-
7 xu hướng trang điểm lỗi thời nhưng vẫn được nhiều chị em tin tưởng
-
Mách bạn 8 loại nước uống giảm cân đơn giản cho cả nam và nữ
-
7 kiểu ăn lẩu 'độc khủng khiếp' mà người Việt cần phải từ bỏ ngay trước khi làm hại dạ dày, khoang miệng và thực quản
-
Hà Giang có một món ăn ngon và bổ nhưng cũng rất độc nếu không biết cách chế biến
-
Ăn canh cua đồng tuyệt đối đừng kết hợp với những thực phẩm này kẻo suy thận, ngộ độc cả nhà
-
Trưa 14-5, thêm 16 ca mắc Covid-19, có 2 nhân viên Bệnh viện K
-
Hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 theo từng nhóm đối tượng nguy cơ tại TP.HCM
-
Sau 15 ngày bùng phát dịch, Hà Nam đã có 457 ca mắc Covid-19
-
Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh?
-
Mức độ nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV-2