12 loại trái cây thai phụ nên hạn chế

ngày 15/07/2023

Thai phụ nên hạn chế ăn đu đủ xanh, dứa, me, nhãn… vì có thể gây ra các vấn đề bất lợi cho sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng trái cây trong thực đơn hàng ngày của thai phụ được khuyến nghị trong ba tháng đầu, ba tháng giữa và ba tháng cuối lần lượt không quá 240 g, 320 g, 400 g. Trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất thiết yếu; giúp giảm cơn thèm ngọt; hỗ trợ ăn ngon miệng hơn khi buồn nôn; quản lý lượng đường trong máu; giảm táo bón...

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết hầu hết các loại trái cây đều tốt cho sức khỏe của thai phụ nhưng cũng có một số cần hạn chế.

Đu đủ chưa chín

Đu đủ xanh chứa hàm lượng lớn mủ và enzyme papain. Đây là hai yếu tố có thể gây co thắt tử cung, khiến thai phụ chuyển dạ sớm, sinh non. Hợp chất papain trong đu đủ xanh khi được hấp thụ cũng khiến cơ thể nhầm với prostaglandin - một hormone gây chuyển dạ. Thai phụ nên hạn chế thực phẩm này trong ba tháng đầu.

Dứa

Dứa chứa hàm lượng lớn hợp chất bromelain, có tác dụng làm mềm tử cung và hỗ trợ chuyển dạ. Ăn quá nhiều dứa vào thời kỳ đầu của thai kỳ có thể xảy ra tình trạng sẩy thai, sinh non.

Nho

Nho có hàm lượng đường tương đối cao, 16 g đường trong 100 g nho. Ăn quá nhiều nho có thể khiến thai phụ thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, hợp chất resveratrol trong vỏ nho còn ức chế quá trình tổng hợp DEHA - loại hormone giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết estrogen. Thiếu hụt estrogen có thể làm gián đoạn quá trình vận chuyển máu đến thai nhi. Thai phụ không nên ăn quá 160 g nho mỗi ngày.

Me

Dung nạp quá mức axit oxalic trong me làm cản trở quá trình hấp thụ canxi và những khoáng chất khác, khiến thai phụ và thai nhi thiếu hụt dưỡng chất. Me có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu...

Trái thị

Loại quả này chứa hàm lượng cao tanin, hợp chất có trong các loại cà phê và trà đặc. Khi đi vào cơ thể, tanin làm giảm khả năng hấp thụ sắt và kẽm, khiến phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng. Tanin còn cản trở quá trình vận chuyển axit folic đến thai nhi, làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh về hệ thần kinh và não bộ. Ăn quả thị quá nhiều cũng có thể khiến người bệnh gặp vấn đề tiêu hóa như ợ nóng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy...

Nhãn

Nhãn có hàm lượng đường tương đối cao, khoảng 15 g đường trong 100 g nhãn. Thai phụ thường xuyên ăn nhãn khiến lượng glucose trong máu tăng đột biến, tạo ra cảm giác khó chịu, nóng bức. Mẹ bầu có thể bị đau bụng, ra huyết, động thai nếu ăn quá nhiều loại trái này. Nhãn cũng có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy...

Vải

Thai phụ ăn quá nhiều vải có thể bị nóng trong người, buồn nôn, tiêu chảy... Loại quả này có tính nóng, chứa khá nhiều đường. Vải cũng chứa hàm lượng đồng cao nên nếu người mẹ tiêu thụ quá nhiều đồng, thai nhi dễ gặp vấn đề về sức khỏe như động kinh, suy dinh dưỡng...

Táo mèo

Táo mèo có thể kích thích, thúc đẩy tử cung co bóp, có thể gây chuyển dạ sớm, sinh non, sẩy thai ngoài ý muốn. Nếu không may nuốt phải hạt táo mèo, hợp chất amygdalin trong loại hạt này có thể giải phóng cyanide - chất cực độc khi tiếp xúc với các enzyme, gây hại đến tim mạch và hệ thần kinh.

Đào

Đào chứa hàm lượng đường, axit cao nên dễ gây nhiệt miệng và những vấn đề về đường huyết. Hàm lượng folate cao trong trái đào có thể làm tăng lượng axit folic trong cơ thể mẹ bầu, dẫn đến buồn nôn, nổi mẩn, chuột rút. Tuy nhiên, đào giàu vitamin A, C, khoáng chất nên thai phụ có thể ăn với lượng phù hợp, 2-3 ngày ăn một trái đào.

Hồng giòn

Tương tự trái thị, chất tanin trong hồng giòn có thể cản trở cơ thể hấp thu sắt, kẽm, hạn chế sự vận chuyển axit folic đến thai nhi. Thai phụ dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu nếu ăn quá nhiều hồng giòn. Trong khi đó, thai nhi có thể đối mặt với các dị tật bẩm sinh do thiếu hụt axit folic. Để hạn chế rủi ro, thai phụ chỉ nên ăn 100-200 g hồng giòn mỗi ngày.

Trái cây đông lạnh, đóng hộp

Trái cây đông lạnh có thể bị giảm chất lượng dinh dưỡng, nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách. Chúng cũng thường được chứa trong dung dịch đường. Thai phụ ăn nhiều có thể bị tăng đường huyết, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Trái cây sấy tẩm đường, mứt hoa quả

Ăn trái cây sấy tẩm đường, mứt hoa quả có thể làm tăng đường huyết đột ngột, dễ thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ... Trái cây sấy kém chất lượng có thể được làm từ hoa quả cũ, hỏng, chứa nấm mốc, vi khuẩn gây hại như aflatoxin, aspergillus, salmonella...

Bác sĩ Duy Tùng cho biết thêm chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Bất kỳ loại thực phẩm nào khi đưa vào khẩu phần ăn cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Để nhận được lợi ích tối ưu từ thực phẩm, không thiếu hụt dưỡng chất, phụ nữ mang thai nên khám bác sĩ, làm xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC. Từ đó, bác sĩ tư vấn thực đơn cá thể hóa với từng thai phụ.

Nguồn: VnExpress