Trưa 6-2, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ (BVĐKTU)- cho biết các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp của BV vừa can thiệp thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim trong thời gian chỉ 10 phút.
Bệnh nhân Trần Văn D. (49 tuổi; ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có bệnh lý đái tháo đường 15 năm – tăng huyết áp điều trị liên tục. Tối 5-2, bệnh nhân đột ngột lên cơn đau ngực trái dữ dội, kéo dài trên 10 phút kèm vã mồ hôi nhiều nên vào cấp cứu tại BV địa phương và nhanh chóng chuyển đến BVĐKTU Cần Thơ.
Dựa vào thăm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng giờ thứ 2 và có chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu.
Bỏ qua mọi thủ tục hành chánh, bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng can thiệp. Thời gian từ lúc vào viện đến lúc chuyển đi can thiệp là 20 phút. Trong lúc chuyển đến phòng can thiệp, khi vừa đến thang máy vận chuyển, bệnh nhân đột ngột co gồng người, tím tái, ngưng tim.
Do tiên đoán các biến chứng có thể xảy ra trên đường vận chuyển đến phòng can thiêp nên ê-kíp bác sĩ can thiệp đi cùng với đầy đủ các phương tiện và thuốc cấp cứu đã xoa bóp tim, sốc điện, hô hấp hỗ trợ.
Sau 10 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Các bác sĩ vừa hồi sức kết hợp sử dụng thuốc chống loạn nhịp và nhanh chóng chuyển đến phòng can thiệp. Tại đây, nhờ đã được khởi động sẵn sàng hệ thống máy chụp mạch vành nên quá trình thực hiện rất nhanh. Thời gian từ lúc đâm kim đến lúc tái thông mạch vành là 10 phút.
Kết quả chụp mạch vành thân chung mạch vành không hẹp, động mạch vành nhánh liên thất trước đoạn I bị tắc và có huyết khối, hẹp 30 % đoạn III. Ê - kíp sử dụng bóng nong nhánh liên thất trước, can thiệp thành công san thương nhánh liên thất trước đoạn I-II bằng stent phủ thuốc. Thời gian hoàn tất quá trình đặt stent là 15 phút. Sau can thiệp, sinh tồn bệnh nhân ổn định, bớt đau ngực nhiều, không khó thở, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt và được tiếp tục theo dõi tại Khoa Tim mạch can thiệp
Sáng 6-2, bệnh nhân D. đã tỉnh, tiếp xúc tốt, đau ngực giảm nhiều, sinh hoạt gần như bình thường.
Theo bác sĩ Trần Văn Triệu (thủ thuật viên chính), những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp, suy bơm. Tử vong của nhồi máu cơ tim xảy ra với tỷ lệ cao nhất chính là vào giờ đầu tiên. Bởi vậy, việc chay đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng của bệnh nhân.