Trời lạnh, làm sao tránh bị méo miệng

ngày 26/12/2020

Trời lạnh, làm sao tránh bị méo miệng

Thời điểm rất dễ mắc bệnh

Hiện nay, miền Bắc đang trong những ngày lạnh giá, rét buốt đặc biệt vào sáng sớm và ban đêm. Đây là thời điểm nhiều người có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số VII, hay còn gọi là liệt mặt, trúng gió.

Trong tuần qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận bệnh nhân Đ. T. L, 31 tuổi, địa chỉ tại Quảng Yên, Quảng Ninh đến khám bệnh trong tình trạng mắt trái nhắm không kín, miệng méo sang phải, ăn uống rơi vãi, nói khó.

Theo lời kể của người bệnh, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi tắm và không giữ đủ ấm thì bắt đầu xuất hiện miệng méo sang phải tăng dần, kèm theo nói khó khăn hơn, ăn cơm và uống nước bị rơi vãi bên trái.

Người bệnh đã được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên trái. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị.

Trái với L, bà Nguyệt (Gia Lâm, Hà Nội) lại rơi vào tình trạng không thể khắc phục được. Mùa Đông năm ngoái, sau một buổi sáng ra ruộng nhổ rau đi chợ bán bà bị méo miệng.

Mặc dù biết là bị trúng gió, nhưng bà không đến viện ngay mà đi bốc thuốc và châm cứu một ông lang gần nhà. Hơn một tháng, bệnh không có dấu hiệu chuyển biến, bà Nguyệt vẫn trong tình trạng mắt trái không nhắm được, mồm méo xếch lên tận mang tai. Toàn bộ phần mặt trái của bà liệt hoàn toàn khiến cho việc ăn uống, sinh hoạt của bà rất khó khăn.

Lúc này bà mới đi viện. Nhưng lại là bệnh viện không có nhiều kinh nghiệm chữa về liệt dây thần kinh số VII. Thêm một tháng nằm viện, bệnh tình không thay đổi.

Quá sốt ruột, bà quyết định sang BV Châm cứu Trung ương. Tại bệnh viện các bác sĩ cho biết bà đến viện quá muộn nên việc chữa trị mất thời gian, nguy cơ không thể khắc phục như ban đầu.

“Ròng rã thêm 3 tháng trời đi đi về về, tôi mới nhắm được mắt, cơ mặt, hàm mềm ra chút, có cảm giác. Dù ăn uống không còn rơi vãi nhưng việc nhai ở bên liệt vẫn rất khó khăn. Trong khi nhìn bên ngoài, miệng vẫn hơi méo. Biết thế này, tôi đến đúng địa chỉ sớm hơn”, bà Nguyệt ân hận nói.

Theo các bác sĩ, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh mà người dân hay gọi nôm na là trúng gió. Đây là loại bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây. Nền nhiệt thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm, gió lạnh kèm mưa… là điều kiện thuận lợi cho loại bệnh này phát triển.

Thời điểm này, những ngày miền Bắc chìm trong gió rét cũng là khoảng thời gian nhiều người bị méo miệng.

Bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng 80% - 90% các trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Biến dạng khuôn mặt nếu không đến viện sớm

Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi giao tiếp của người bệnh.

Biểu hiện thường thấy của liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh là sau khi người bệnh nhiễm lạnh hoặc đi dạo ngoài trời lạnh, giữ không đủ độ ấm cho cơ thể có thể xuất hiện: Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán; Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống; Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán; Các triệu chứng khác đi kèm như: rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt, nói khó…

Đáng lưu ý, bệnh nếu được phát hiện sớm (thường trong vòng 30 ngày kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên), điều trị đúng cách, bệnh có thể cải thiện từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng.

Nếu không được điều trị đúng cách bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể để lại nhiều di chứng nặng nề khác nhau như: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí, muộn hơn có thể gặp những triệu chứng hiếm như chảy nước mắt không kiểm soát (hội chứng nước mắt cá sấu)...; co thắt nửa mặt sau liệt mặt - biến chứng này gặp ở các thể nặng và khó hồi phục (biểu hiện rõ nhất là méo mồm vĩnh viễn…).

Để không bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho rằng, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang, giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh; hạn chế ở ngoài trời lạnh khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài.

Vào mùa lạnh, khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, nên tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh, tránh tắm nước lạnh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.

PGS. TS Nghiêm Hữu Thành cũng nhấn mạnh, người dân khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não…


Nguồn: SKĐS