Là nơi đầu tiên trong cả nước tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, tính đến ngày 31-10, TP. Hồ Chí Minh đã có 352.000 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm. Tiến tới mục tiêu hết tháng 11 cả nước sẽ tiêm xong mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi và hoàn thành mũi 2 trong cuối năm 2021 nếu vaccine về đúng tiến độ.
Chiến dịch tiêm chủng này có thành công hay không phụ thuộc vào nguồn vaccine, cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực y tế và đặc biệt là các bậc phụ huynh - người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ và đồng hành cùng con trong cuộc chiến chống đại dịch.
Kịch bản tiêm vaccine cho trẻ
Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất là vaccine được lựa chọn trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở nước ta. Đây là loại vaccine của Mỹ sản xuất, được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em vì tính an toàn cho trẻ. Tính đến thời điểm này, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng loại vaccine này để tiêm cho trẻ em vì hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 95-100% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày.
Theo PGS. TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ triển khai từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp dần và ưu tiên các địa phương đang có dịch, có mật độ dân số đông, có nguy cơ cao dễ lây lan dịch. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh -địa phương trong đợt dịch vừa qua có tới 20.000 trẻ mắc COVID-19 là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ. Địa điểm tiêm chủng cho trẻ được triển khai chủ yếu ở các trường học, trạm y tế. Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, béo phì sẽ được chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.
Học sinh tại TP Hồ Chí Minh được tiêm phòng vaccine COVID-19 sớm nhất cả nước.
Yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn, vì vậy việc khám sàng lọc trước tiêm ở trẻ được tiến hành kĩ lưỡng. Những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng khi không có bất kỳ điểm bất thường nào và không có chống chỉ định tiêm vaccine theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Chống chỉ định tiêm chủng vaccine khi trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine. Mặt khác, nếu trẻ chỉ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển thì sẽ được trì hoãn tiêm chủng. Đặc biệt, những trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc rối loạn tri giác, rối loạn hành vi được xếp vào nhóm thận trọng khi tiêm chủng.
Sau tiêm chủng, trẻ sẽ được theo dõi sau tiêm 30 phút, được cấp giấy xác nhận tiêm vaccine và được hướng dẫn khai báo sau tiêm trong 7 ngày tại nhà.
Giải tỏa những băn khoăn
Khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trẻ em có thể sẽ gặp phải những phản ứng nào? Đây là câu hỏi của nhiều phụ huynh trước chiến dịch tiêm chủng đang chuẩn bị diễn ra.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, ở các quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ, các phản ứng ghi nhận được tương tự như khi tiêm chủng cho người lớn như đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu,... Các triệu chứng này không được gọi là biến chứng vì thường tự khỏi trong 1 hoặc 2 ngày. Có 1/100 trẻ có phản ứng nôn ói sau tiêm, 1/1.000 trẻ nổi hạch, 1/1.000-1/10.000 trẻ gặp phản ứng liệt mặt, phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Những phản ứng này có sự chênh lệch về giới tính, cụ thể trẻ trai gặp phản ứng nhiều gấp 4-6 lần so với trẻ gái. Tuy nhiên có thể thấy đây là những triệu chứng ít gặp.
Vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech được lựa chọn trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở nước ta.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), lứa tuổi nào cũng cần được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có trẻ em. Khi tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho người lớn, lây nhiễm có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở các nhóm chưa tiêm, trong đó có trẻ em. Trẻ mắc COVID-19 lại trở thành nguồn lây phát tán virus cho người khác. Do đó nếu trẻ em được tiêm vaccine sẽ làm giảm mạnh khả năng lây lan virus, đem lại lợi ích miễn dịch cộng đồng nói chung. Thêm nữa, tiêm vaccine rất có lợi đối với trẻ có bệnh nền và có người thân bị suy giảm miễn dịch hoặc thuộc các đối tượng dễ bị tổn thương. Một yếu tố nữa xét về góc độ tâm lý - xã hội thì việc tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như trong trường học. Trẻ không thể ở nhà mãi, trẻ cần được đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất khác.
Tại một số nước đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ đã ghi nhận một vài trẻ sau tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna vận động mạnh làm gia tăng áp lực cho tim dẫn đến biểu hiện viêm cơ tim nặng hơn. Kết quả khảo sát cho thấy trẻ trai gặp phản ứng này nhiều hơn trẻ gái và thường gặp sau khi tiêm mũi thứ 2. Bởi vậy trong thời gian 3 ngày sau tiêm, trẻ cần được nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh để đảm bảo an toàn.
Phụ huynh, học sinh được cán bộ tại điểm tiêm hướng dẫn khai báo y tế trước khi bước vào điểm tiêm ở TP Hồ Chí Minh.
Không ít phụ huynh cho rằng vaccine COVID-19 được phê duyệt khẩn cấp, chưa đủ thời gian nghiên cứu để đánh giá một cách trọn vẹn nên có thể gây ảnh hưởng không tốt đến gene. Giải đáp về vấn đề này, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vaccine của hai hãng Pfizer và Moderna có thành phần mNRA của virus hoàn toàn không tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gene và không ảnh hưởng về lâu dài.
Để trẻ đến trường an toàn
Ở thời điểm này, khi mà diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường, khi việc tìm kiếm nguồn vaccine còn nhiều khó khăn thì việc trẻ được tiêm vaccine COVID-19 “là một may mắn” đúng như cảm nhận của nhiều phụ huynh ở TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, khi người lớn được phủ vaccine, ở trạng thái bình thường mới sẽ xác định sống chung với dịch thì tác động của dịch bệnh đến trẻ em sẽ lớn hơn nhiều. Để trẻ được đến trường học tập an toàn, các bậc phụ huynh hãy gạt bỏ những băn khoăn, e dè để yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng. Việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ giảm bớt triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt với nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong.
Trước thời điểm tiêm, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc. Khi đi tiêm, trẻ cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch như khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ ở TP Hồ Chí Minh.
Sau khi tiêm vaccine, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo cho bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt, tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều… Một điều phải nhấn mạnh là ngay cả khi chưa tiêm hay đã tiêm vaccine thì các bậc cha mẹ phải luôn nhắc nhở trẻ thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, khi trẻ đi học trở lại, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch tại trường học.
Ở Việt Nam tính đến ngày 31-10 có 3 tỉnh thành tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình. Riêng Ninh Bình sau 2 ngày tiêm đã cơ bản hoàn thành tiêm hết cho trẻ bậc THPT. Hà Nội dự kiến tiêm vaccine cho trẻ trong quý 4 năm 2021 đến quý 1 năm 2022, phân bổ theo thứ tự ưu tiên gồm quận huyện có F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ.
Trên thế giới hiện nay đã có ít nhất 36 quốc gia triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em tương tự loại Việt Nam sử dụng. Trong đó có 19 quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển... Tại châu Mỹ có Mỹ, Canada, Chile, Cuba... Ở châu Á có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... đã và đang triển khai tiêm cho trẻ em.
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tiem-vaccine-covid-19-cho-tre-ban-khoan-lo-lang-vui-mung-i633761/
-
Mộc nhĩ cực tốt cũng cực độc đối với sức khỏe, nếu không biết sử dụng đúng cách sẽ hối hận không kịp
-
Sáng 24/7, Hà Nội ghi nhận thêm 9 trường hợp mắc COVID-19 mới
-
Lấy thành công khối u gần 3kg ra khỏi cơ thể cụ bà U100
-
Chế độ ăn cầu vồng giúp nàng công sở giảm cân an toàn dịp cận Tết
-
Thực phẩm 'vàng' giúp giảm đau đầu cực kỳ hiệu quả
-
Kiểu tóc tạo góc nghiêng ảo diệu dành cho nàng mặt to
-
Người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn cần phải thực hiện '5K'
-
Duy trì thói quen này chính là nguyên nhân khiến bạn lão hóa
-
Ngoài chè đậu đỏ, ngày Thất Tịch nên ăn món gì?
-
5 mẹo rửa mặt giúp làm sạch đến từng lỗ chân lông, giúp làn da bóng đẹp