Thiếu hụt vitamin K ở người cao tuổi có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

ngày 12/11/2021

Đối với người cao tuổi, việc thiếu hụt Vitamin K có thể gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe như loãng xương, bệnh tim mạch, máu khó đông hoặc đẩy tốc độ lão hóa cơ thể nhanh hơn.

Vitamin K là một vi chất cần thiết cho sức khỏe nhưng lại được ít quan tâm hơn vitamin khác. Đối với người cao tuổi, vitamin K càng đặc biệt khi bổ trợ cho khả năng vận động của người cao tuổi.

Cụ thể, những người trưởng thành có lượng vitamin K thấp bị hạn chế vận động cao gấp 1,5 lần và gần như gấp đôi khả năng bị suy giảm vận động so với những người có đủ lượng vitamin K. Kết quả tương đương ở cả 2 giới.

Vitamin K được phân thành 2 loại chính là Vitamin K1 và Vitamin K2. Vitamin K1 giúp cơ thể chống mất máu, tham gia quá trình đông máu, có nhiều trong các loại rau xanh. Vitamin K2 hay còn gọi là menaquinone đóng vai trò hấp thụ canxi từ thực phẩm vào xương. Dạng này được tổng hợp tự nhiên bởi vi khuẩn có ích trong đường ruột.

Thiếu hụt vitamin K ở người cao tuổi có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Đọc thêm:

- Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có ảnh hưởng tới tính mạng không? Làm cách nào để nhận biết?

- Điểm danh các dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần và cách xử lý khi bị đột quỵ

1. Hậu quả của việc thiếu hụt vitamin K ở người cao tuổi- Vấn đề tim mạch

Cơ thể thiếu hụt vitamin K2 sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thúc đẩy nhanh hơn quá trình vôi hóa động mạch.

Vitamin K2 được chứng minh là có tham gia vào quá trình hình thành MGP ngăn ngừa sự vôi hóa (calcification) thành mạch, nhờ đó mà giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.

Theo thống kê cho thấy, có khoảng 57% số ca tử vong do tim mạch có liên quan đến việc thiếu hụt vitamin K2.

- Ung thư tuyến tiền liệt

Ít ai biết vitamin K có tác dụng chống ung thư hiệu quả, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư vú… Việc bổ sung vitamin K trong các bữa ăn hàng ngày là điều cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên đối tượng 35-64 tuổi cho thấy, những người có hàm lượng vitamin K thiếu hụt có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người không thiếu hụt.

- Gây loãng xương

Vitamin K là một vi chất thiết yếu tham gia vào quá trình trao đổi canxi trong cơ thể. Đồng thời nó có khả năng hoạt hóa osteocalcin - chất gắn canxi vào khung xương. Chính vì vậy mà vitamin K giúp xương chắc khỏe hơn, ngăn ngừa loãng xương.

Nghiên cứu lâm sàng cho thấy thiếu vitamin K có thể dẫn đến chứng loãng xương, nhất là ở những người trên 40 tuổi, khi xương bắt đầu thoái hóa. Ăn rau dền, cải xoăn, thịt... để bổ sung vitamin K cho cơ thể.

- Chảy máu nhiều

Vitamin K là yếu tố quan trọng giúp cơ thể cầm máu, nếu thiếu loại vitamin này có thể dẫn đến chảy máu quá mức dù chỉ là vết thương nhẹ. Đơn giản như khi bạn vô tình làm đứt tay, chính vitamin K trong cơ thể giúp bạn cầm máu.

Cũng vì khả năng đông máu mà nó được gọi là vitamin kháng xuất huyết. Sự thiếu hụt loại vitamin hữu ích này sẽ kéo dài tình trạng xuất huyết, gây nguy hiểm cho cơ thể.

- Vết bầm tím

Những ai có hàm lượng vitamin K thấp dễ bị bầm tím trên da trong những lần chấn thương, dẫn đến xuất huyết quá mức.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều bông cải xanh, rau diếp…ít bị bầm tím hơn và đó là những loại rau có hàm lượng Vitamin K cao.

2. Các thực phẩm chứa nhiều Vitamin K

- Rau cải bó xôi: Được xếp vào nhóm các thực phẩm giàu dinh dưỡng, cải bó xôi đặc biệt chứa hàm lượng Vitamin K cao, tốt cho cơ thể.

Bổ sung vitamin K giúp phòng tránh một số vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi - Ảnh: Internet

- Húng quế: Trong húng quế chứa nhiều Vitamin K, chỉ cần một lượng nhỏ lá húng quế cũng đã cung cấp đủ vitamin dành cho cơ thể.

- Rau cải xoăn: Là một trong những thực phẩm giúp giảm cholesterol trong máu và phòng ngừa ung thư hiệu quả.

- Bông cải xanh: Không chỉ giàu Vitamin K. Bông cải xanh cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.

- Ngoài ra, vitamin K cũng có nhiều trong dầu đậu nành, dâu tây, đậu xanh, sữa nguyên kem,...

3. Bổ sung bao nhiêu vitamin K là đủ?

Đối với mỗi đối tượng, lứa tuổi, giới tính lại cần một lượng vitamin K khác nhau. Cụ thể, mỗi ngày ở tuổi trưởng thành nam giới nên bổ sung 80 mcg, nữ giới cần 65 mcg.

Liều lượng vitamin K khuyến cáo với người cao tuổi hàng ngày là 70 mcg mỗi ngày cho người trên 75 tuổi so với 45 mcg mỗi ngày cho người trên 45 tuổi.

Không có dữ liệu nào cho thấy việc hấp thụ nhiều vitamin K có thể gây ra những ảnh hưởng có hại cho người khỏe mạnh. Do đó, các chuyên gia không đặt ra giới hạn liều lượng an toàn cho loại vitamin này.

Mặc dù, tác dụng phụ của vitamin K uống ở liều khuyến cáo là rất hiếm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có thể cản trở tác dụng của vitamin K: Thuốc kháng acid, thuốc làm loãng máu, kháng sinh, aspirin và thuốc điều trị ung thư, co giật, cholesterol cao và các bệnh khác. Không nên tự ý bổ sung vitamin K trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thieu-hut-vitamin-k-o-nguoi-cao-tuoi-co-the-gay-ra-nhieu-benh-nguy-hiem-4120211211142411250.htm