Tay khô, nứt nẻ vì cồn sát khuẩn phải làm sao?

ngày 30/03/2020

Thời gian gần đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp da tay bị khô, nứt nẻ, chảy máu do sử dụng nhiều dung dịch cồn sát khuẩn tay.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày với xà bông hoặc các dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Việc bàn tay tiếp xúc thường xuyên với nước, xà bông và cồn, các chất tẩy rửa khác có thể làm khô da, gây ngứa, nứt nẻ, chảy máu và thậm chí nhiễm trùng bàn tay. Đặc biệt, tình trạng này sẽ nặng nề hơn ở những người có tuýp da khô, có sẵn bệnh viêm da cơ địa hay chàm bàn tay.

Vậy làm sao để đảm bảo bàn tay sạch mà da tay không bị khô ráp, nứt nẻ? Sau đây là một số lời khuyên từ bác sĩ da liễu, BV Da liễu TP.HCM.

1. Nên rửa tay như thế nào?

Nếu bàn tay bị bẩn, hãy sử dụng xà bông không chứa hương thơm và sau đó rửa kỹ bằng nước ấm. Không nên rửa tay với nước nóng. Sau khi rửa tay, nên lau khô tay cẩn thận bằng khăn sạch hoặc khăn giấy, đặc biệt là giữa các ngón tay, sau đó bôi kem dưỡng ẩm.

Bác sĩ đang khám tình trạng dị ứng da tay do dùng chất tẩy rửa. Ảnh: BVCC

2. Bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên

Để duy trì độ ẩm cho da tay, bạn cần phải bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong một ngày. Nên thoa bất cứ khi nào cảm thấy tay khô và sau mỗi lần rửa tay. Thời điểm tốt để bôi kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, khi đang xem tivi và ngay trước khi đi ngủ. Có thể đeo thêm găng tay vào ban đêm ngay sau khi bôi kem dưỡng ẩm để tránh kem bị dính vào tấm trải giường.

Lấy lượng dưỡng ẩm kích thước cỡ bằng hạt đậu, xoa đều khắp hai bàn tay, chú ý các đầu ngón tay vì là nơi dễ khô và nứt nhất.

Các bạn lưu ý nên chọn loại dưỡng ẩm dạng kem, mỡ chứa dầu khoáng (oil mineral) hay petrolatum, không có hương liệu và chất tạo màu để hạn chế kích ứng. Nếu không biết phải chọn loại dưỡng ẩm nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.

3. Sử dụng găng tay khi làm việc trong môi trường ẩm ướt

Nên dụng găng tay khi làm việc trong môi trường ẩm ướt và khi tiếp xúc với hóa chất hoặc vật liệu có khả năng gây truyền nhiễm. Đeo găng tay trong thời gian càng ngắn càng tốt, lý tưởng là không quá 20 phút, vì mồ hôi chảy ra có thể làm viêm da nặng hơn.


Nguồn: Báo PLO