Theo nghiên cứu được công bố tại Mỹ năm 2019, 15 người tập có trình độ và kinh nghiệm được chia thành 2 nhóm. Một nhóm gồm 8 người thực hiện các bài tập tới ngưỡng cao nhất, hết sức của bản thân. Nhóm còn lại chỉ tập ở cường độ cao nhưng trong tầm kiểm soát.
Sau 10 tuần, các chỉ số được nhà khoa học lựa chọn để đánh giá độ lớn của cơ bắp ở tất cả thành viên nhóm thứ 2 đều tốt hơn. Dựa trên kết quả đó, các nhà khoa học giải thích việc tập luyện ở cường độ cao vừa đủ khiến khả năng thích ứng về mặt kích thước sợi cơ, nhóm cơ, một số protein co cơ tốt hơn.
Huấn luyện viên Huy Nguyễn (Hà Nội) kết luận: "Không như nhiều người lầm tưởng, việc tập luyện ở mức độ vừa phải lại khiến cơ bắp phát triển tốt hơn".
Theo huấn luyện viên, cựu vận động viên thể hình người Mỹ Eric Helms, để phát triển cơ bắp tối ưu nhất, chúng ta nên tập luyện ở khoảng 6-12 lần/hiệp mỗi bài. Bên cạnh đó, người tập cần cân nhắc thể lực của mình để sau khoảng 6-12 lần đó, chúng ta vẫn có thể tập thêm 1-2 lần.
Cựu vận động viên này cho rằng việc tập đến khi hết sức sẽ ảnh hưởng đến các hiệp tiếp theo cũng như tổng áp lực đặt lên cơ bắp ngày hôm đó.
Cùng quan điểm trên, huấn luyện viện Huy Nguyễn nhận định: "Việc tập đến hết sức gây áp lực và căng thẳng rất lớn lên hệ thần kinh. Do đó, chúng ta không nên lạm dụng".
Trên thực tế, một số người tập luyện với tạ khi đã hết sức vẫn nhờ những người xung quanh hỗ trợ để tăng số lần tập. Tuy nhiên, điều này không quá cần thiết.
Những người này cho rằng khi tập hết sức, cơ bắp sẽ chịu tổn thương nhiều hơn, cảm giác đau cơ cũng lớn hơn và đó là dấu hiệu của sự phát triển cơ. Tuy nhiên, cảm giác đau cơ chỉ là phản ứng phụ. Thực tế, sự phát triển cơ bắp đến từ một chương trình tập và chế độ dinh dưỡng phù hợp trong thời gian dài.