Sàng lọc trước sinh và sơ sinh

ngày 11/09/2020

Siêu âm sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoa

Chỉ tính riêng trong năm 2019, trong toàn tỉnh đã có trên 19.200 phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh lên tới trên 18.100 người (đạt 94,3%); số trẻ được sàng lọc sơ sinh tại các cơ sở y tế đạt 69% so với tổng số trẻ sinh ra.

Sàng lọc trước sinh là những xét nghiệm dành cho những phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai để biết được liệu thai nhi có khỏe mạnh hay không; đặc biệt là những dị tật liên quan đến những bất thường về gen hay nhiễm sắc thể. Cũng từ đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phương án điều trị và can thiệp kịp thời, để giảm đến mức tối đa những dị tật của trẻ

Các dị tật hay gặp nhất đối với trẻ đó là bệnh down, edwards, thalassemia và các dị tất ống thần kinh. Biểu hiện như: Thai không có sọ, não úng thủy, teo van tim, sứt môi, hở hàm ếch, hai trẻ dính nhau... Khi bị mắc các dị tật này, trẻ có thể chết khi còn đang trong bụng mẹ hoặc chết ngay sau sinh, hoặc trẻ phải trải qua những cuộc phẫu thuật hết sức phức tạp.

Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tư vấn cho sản phụ làm các biện pháp sàng lọc sau sinh.

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: Có 3 thời điểm bắt buộc phải được các bà mẹ thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh đó là 3 tháng đầu của thai kỳ, từ tuần thai thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày. Ở thời điểm này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy để phát hiện hội chứng down, thai không hộp sọ... Vào 3 tháng giữa của thai kỳ, sẽ sàng lọc các dị tật về hình thái của thai nhi như: Bệnh tim bẩm sinh, tay chân khoèo... và những bất thường về hệ thần kinh của thai nhi như khuyết tật ống thần kinh, bất thường ở hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, xương. Siêu âm thai vào 3 tháng cuối thai kỳ, siêu âm ở tuần thứ 30 đến 32 sẽ giúp phát hiện một số vấn đề bất thường ở vùng cấu trúc của não, động mạch, tim...

Còn đối với sàng lọc sơ sinh đó là khi các bác sĩ tiến hành lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện các bệnh như: Suy giáp bẩm sinh (trẻ chậm phát triển trí tuệ không hồi phục, có nguy cơ nhiễm trùng cao, đặc biệt là dễ nhiễm trùng đường hô hấp, biến dạng cơ xương, dễ bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành do luôn tăng cholesterol trong máu), thiếu men G6PD (một bệnh di truyền và có liên quan đến giới tính)... Thông qua đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ để sau này trẻ có cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Những bà mẹ có tiền sử thai lưu, sảy thai liên tiếp, thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi)... cần đặc biệt chú ý thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh và cho con thực hiện phương pháp sàng lọc sau sinh.

Bà Phạm Thị Thủy, Trưởng Phòng Dân số (Trung tâm Y tế TX Quảng Yên) cho biết: Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chỉ tính trong tháng 5 năm nay, phòng dân số đã phối hợp với Trạm y tế 19 phường, xã tổ chức tư vấn nhóm nhỏ cho các đối tượng bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và đưa con đi tiêm chủng với số lượng là 38 buổi, số người được tư vấn 570 người. Thông qua hoạt động tư vấn, số người mang thai tham gia sàng lọc trước sinh tính đến hết tháng 5 đạt tỷ lệ 87% và số trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt tỷ lệ 70,29%.

Để duy trì hoạt động truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phòng dân số thuộc các Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả của phương pháp này tại hầu hết các trạm y tế xã, phường. Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường...

Hằng tháng, tại các buổi tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng cho bà mẹ mang thai tại trạm y tế, cán bộ dân số cũng trực tiếp tuyên truyền, tư vấn lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân; góp phần giảm thiểu tối đa những dị tật bẩm sinh của trẻ.


Nguồn: Báo Quảng Ninh