Phòng và điều trị cảm cúm khi thời tiết giao mùa

ngày 20/10/2021

Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường làm cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm là nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc bệnh cảm cúm. Tuy là bệnh thông thường nhưng cảm cúm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng dễ xảy ra ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người có hệ miễn dịch kém.

Bài viết được TS.BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tư vấn chuyên môn

1. Nguyên nhân gây cảm cúm

TS.BS Phạm Thị Bích Thủy Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây cúm do các chủng virus cúm A, B, C. Trong đó, cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất.

Virus cúm có trong nước mũi, nước bọt người bệnh, lây truyền sang người khác qua những hạt nước nhỏ li ti bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc trong không khí, tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có chứa virus cúm.

Virus cúm lây lan với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, văn phòng, công sở, phòng điều hòa.

2. Đối tượng dễ mắc cảm cúm

Những đối tượng dễ mắc cảm cúm nhất và dễ diễn biến nặng gây biến chứng là:

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi
Người trên 65 tuổi
Phụ nữ mang thai
Người bị suy giảm hệ miễn dịch
Người có các bệnh lý mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư…

Virus cúm lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp.

3. Triệu chứng cảm cúm

Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1-4 ngày, trung bình là 2 ngày.
Thời kỳ lây bệnh: Người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.
Virus cúm tấn công hệ thống hô hấp gây ra các triệu chứng:
Sốt, có thể sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
Chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi.
Đau họng.
Ho, cơn ho ngắn, không có đờm.
Đau đầu. Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
Mệt mỏi, chán ăn, có cảm giác như kiệt sức.
Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi...

Cám cúm thường có biểu hiện sốt, hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi...

4. Một số biến chứng thường gặp

Sau mắc cúm, một số người có thể bị suy giảm sức đề kháng nên dễ bị các biến chứng do bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang.

Đặc biệt đối trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh mạn tính tim mạch, hen phế quản, giãn phế quản... dễ bị biến chứng nặng hơn.

Một số biến chứng có thể xảy ra sau cảm cúm là:

Viêm xoang, viêm tai giữa

Trẻ em hay bị viêm xoang, viêm tai giữa do nhiễm khuẩn thứ phát khi bị cúm hơn so với người lớn. Biến chứng viêm tai giữa xảy ra khi virus xâm nhập vào phía sau màng nhĩ. Sau 4 - 6 ngày khởi phát các triệu chứng cúm, trẻ kêu đau tai, chảy dịch, chảy mủ tai; ho khạc đờm, dịch mũi màu vàng, hôi; đau vùng xoang và ngạt mũi kéo dài.

Viêm xoang do cảm cúm cũng là biến chứng hay gặp ở người lớn.

Hội chứng Reye ở trẻ em

Hội chứng Reye tuy rất ít gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao, hay xảy ra ở trẻ em, vài ngày sau khi bị cúm. Biểu hiện là khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.

Viêm phổi

Đây là biến chứng hay gặp do virus cúm gây viêm phổi nặng; do bội nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu; do nhiễm các loại vi khuẩn khác ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch khi đang bị cúm.

Viêm phổi nặng do cúm chiếm khoảng 18% trong tổng số các biến chứng ở phổi và thường gặp ở những người trung niên có bệnh tim trước đó. Đây là một biến chứng với các biểu hiện suy hô hấp và tổn thương nặng nề ở phổi. Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, đau ngực, ho khạc đờm vàng, suy hô hấp tăng dần… cần được điều trị tích cực kịp thời.

5. Chăm sóc điều trị cảm cúm

Việc chẩn đoán xác định cúm dựa trên các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ và xét nghiệm virus cúm.

Đối với các thể bệnh cúm thông thường, điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng do bệnh gây ra như sốt, đau đầu, đau mỏi người. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết bệnh.

Bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi ở phòng thoáng khí, tránh gió lùa. Mặc áo quần thoáng rộng.
Trường hợp sốt cao có thể chườm mát, hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Cần tránh dùng aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye (bệnh lý não, gan) nguy hiểm với bệnh nhân.
Súc miệng, họng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
Bệnh nhân cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn thức ăn dễ tiêu. Uống nhiều nước. Bổ sung vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Lưu ý: Trong quá trình chăm sóc điều trị, nếu có một trong các biểu hiện: sốt kéo dài, ho nhiều, ho có đờm, đau đầu nhiều, đau tai, tức ngực, nôn… cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân cảm cúm cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt.

6. Biện pháp xông lá hỗ trợ điều trị cảm cúm

Để thông mũi, giải cảm, toát mồ hôi giải độc ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu, người bệnh cảm cúm có thể áp dụng biện pháp xông các loại lá chứa tinh dầu.

Nguyên liệu: Có thể kết hợp nhiều loại lá như: lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, lá sả, lá tre, lá chanh, kinh giới, bạc hà... rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi vài phút.

Cách xông: Người bệnh ở trong phòng kín, tránh gió lùa, trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên cạnh để phục vụ và chăm sóc. Trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở nồi xông he hé, từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước đột ngột, có thể dẫn đến sốc, tụt huyết áp, trụy tim mạch...

Khi đã ra mồ hôi và cảm thấy dễ chịu thì thôi, không nên xông kéo dài. Sau đó dùng khăn bông sạch lau khô người, nhanh chóng mặc quần áo.
Sau khi xông nên ăn cháo hành, lá tía tô, cho thêm chút muối, hoặc uống nước ấm, nằm nghỉ ngơi rất tốt.
Những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông khoảng 1 - 2 lần là được. Không nên xông nhiều lần, xông liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Xông các loại lá chứa tinh dầu có tác dụng thông mũi, giải độc tốt.

7. Phòng bệnh cúm như thế nào?

Giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh răng miệng, mũi họng.
Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh.
Hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, nhất là những người có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp. Khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.
Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
- Tập thể dục đều đặn bằng các hình thức tập luyện phù hợp với bản thân để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu vitamin C như: rau xanh, các loại quả như táo, cam, quýt, bưởi…
Chủ động tiêm vaccine phòng cúm. Các vaccine phòng cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%.

Những người nên tiêm vaccine phòng cúm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ biến chứng cao như: Trẻ em; phụ nữ mang thai; người trên 65 tuổi; người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, người nhiễm HIV/AIDS, ung thư, nhân viên y tế...

Tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho người dân tại cơ sở y tế. Ảnh: Thu Phương

Để điều trị và phòng ngừa hiệu quả, khi có dấu hiệu mắc cúm, người bệnh cần đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cúm khiến bệnh không giảm mà còn tăng nguy cơ kháng thuốc. Bệnh nhân cúm nên được cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác. Bệnh nhân và người chăm sóc cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc. Bệnh nhân dùng riêng đồ dùng cá nhân (quần áo, bát, đũa, thìa, cốc, chén, khăn…). Khăn giấy của bệnh nhân đã sử dụng để trong túi cho vào thùng rác riêng. Người chăm sóc cần rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc bệnh nhân. Nếu phải ra khỏi nhà, bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế để tránh lây bệnh ra cộng đồng.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//phong-va-dieu-tri-cam-cum-khi-thoi-tiet-giao-mua-169211017223308119.htm