Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Từ bỏ thuốc lá vì một gia đình khỏe mạnh

ngày 28/06/2022

Hút thuốc lá là thói quen có thể từ bỏ. Việc cai thuốc lá phải thực hiện một cách kiên trì, lấy gia đình làm điểm tựa để vượt qua khó khăn ban đầu, vì một gia đình khỏe mạnh, xã hội văn minh không khói thuốc.

Sống khỏe nhờ nói “không với thuốc lá”

Hơn 20 năm trước, ông Đỗ Chí Nghĩa, tổ dân phố số 1, thị trấn Bích Động (Việt Yên- Bắc Giang) nghiện thuốc lá nặng. Nước da lúc nào cũng đen xạm, nhợt nhạt, ăn, ngủ kém, đầu ngón tay cáu lại một màu xám xịt bởi nhựa, khói thuốc ám trong thời gian dài. Thấy thuốc lá nguy hại sức khỏe lại tốn kém tiền bạc nên vợ con nhiều lần động viên ông từ bỏ.

Tuyên truyền người dân không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang.

“Đến năm 1996, khi con trai bước sang tuổi 14, tôi thấy mình cần làm gương cho con. Vậy là tôi dứt khoát bỏ thuốc từ đó”, ông kể. Ông cho hay lúc đầu cảm giác thèm thuốc lá dày vò, nhất là sau bữa cơm hoặc lúc tham gia hội họp, đám hiếu, hỷ có nhiều người xung quanh hút thuốc song cuối cùng ý chí quyết tâm của bản thân đã chiến thắng.

Lợi ích rõ nhất sau thời gian nói “không” với thuốc lá là ông Nghĩa ăn, ngủ tốt, tăng cân, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái, dành nhiều thời gian hơn chăm sóc gia đình. Từ tấm gương của ông, các con trai, con rể và cả 4 em trai đều không hút thuốc lá; gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc.

Hiện nay, ông Nghĩa là Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin huyện Việt Yên, vợ ông làm Trưởng Ban Công tác mặt trận khu dân cư, các con đều công tác nên thực hiện gia đình “5 không, 3 sạch”, không khói thuốc, xây dựng nếp sống văn hóa là việc làm thường ngày. Ở tổ dân phố số 1 có 250 hộ; 100% gia đình hội viên phụ nữ, người cao tuổi, đoàn viên thanh niên thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân không hút thuốc lá, bảo vệ môi trường sống trong lành.

Bác sĩ Thân Minh Kha, ở khu 34, xã Song Mai (TP Bắc Giang), nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Bắc Giang chia sẻ: “Thế hệ trước nhiều người không hiểu hết tác hại của việc hút thuốc lá. Trong các đám hiếu, hỷ, đám giỗ, lễ hội, người ta dùng thuốc lá làm quà để biếu, tặng hoặc mời khách. Bản thân tôi có thời kỳ mỗi ngày hút đến 2 gói, phòng ở, nơi làm việc ám mùi khói thuốc”.

Sau này khi công tác tại Bệnh viện Lao - Phổi Bắc Giang, nay là Bệnh viện Phổi tỉnh, công việc chuyên môn giúp ông Kha được tìm hiểu, nghiên cứu sâu nên hiểu được thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

Công tác trong ngành y, ông xác định mình phải tiên phong bỏ thuốc, làm gương thì mới tuyên truyền, tư vấn, chữa bệnh cho nhân dân được. Từ bỏ thói quen hút thuốc, ông Kha vui mừng vì huyết áp và nhịp tim ổn định, sức khỏe cải thiện tốt. Ngoài thời gian đọc sách báo, nghiên cứu y học, ông nhận đưa, đón cháu nội đi học, cùng vợ quán xuyến nhà cửa giúp không gian gia đình xanh, sạch, đẹp.

Ở nhiều địa phương, gia đình, việc người dân từ bỏ thuốc lá, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang trở thành hành động mang nhiều ý nghĩa. Lối sống lành mạnh, tích cực vì mình và mọi người đang ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn minh.

Nhân rộng gia đình “5 không 3 sạch”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người dân hút thuốc lá cao. Số liệu khảo sát năm 2020, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 42,3%; tỷ lệ hút thuốc trong học sinh ở độ tuổi từ 13-17 tuổi là 2,7%. Rất mừng là các chỉ số này đang có xu hướng giảm dần so với trước, là tín hiệu tích cực cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang mang lại hiệu quả, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Hồng, Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay, hằng năm, Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện. Những người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc các bệnh về phổi, thanh quản, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch… cao hơn nhiều so với người không hút.

Những người hít phải khói thuốc lá có nguy cơ mắc các chứng bệnh như: Viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, rối loạn khi thai nghén. Từ thực tế đó, việc xây dựng mô hình gia đình khỏe mạnh, không khói thuốc trong xã hội văn minh càng trở nên cấp thiết, giảm thiểu tổn thất về sức khỏe, thiệt hại về tài chính do ốm đau, bệnh tật có liên quan đến thuốc lá.

Ông Hà Ngọc Luyện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Mỗi gia đình khỏe mạnh mới duy trì đời sống bình thường và tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Để nhân rộng mô hình gia đình không khói thuốc, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó nhấn mạnh mọi người dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không khói thuốc lá; quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại những nơi quy định cấm như: Cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện; khi trong nhà có trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung.

Được biết, toàn tỉnh có 3.332 mô hình câu lạc bộ gia đình “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ các cấp triển khai. Tỷ lệ gia đình hội viên phụ nữ đạt danh hiệu "5 không, 3 sạch" gắn với gia đình văn hóa chiếm hơn 90%. Nhiều cơ sở hội như: Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 1, thị trấn Bích Động (Việt Yên), xã Tân Hưng và thị trấn Kép (Lạng Giang) duy trì hiệu quả mô hình, đồng thời nâng cao chất lượng tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).

Cụ thể là cán bộ, hội viên phụ nữ tuyên truyền người thân không hút thuốc lá, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hằng năm, các hộ thực hiện nếp sống văn hóa, khu dân cư văn minh từ những việc làm cụ thể, thiết thực như không mời thuốc trong các đám hiếu, hỷ, giỗ chạp, lễ hội; treo khẩu hiệu tuyên truyền người dân không hút thuốc lá ở vị trí dễ quan sát trong phòng khách, bếp ăn của gia đình.

Nguồn: baobacgiang.com.vn