Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân phình tắc động mạch chủ nghiêm trọng

ngày 26/05/2022

Cụ ông 76 tuổi phình tắc động mạch chủ, kèm tắc mạch chi dưới mạn tính nghiêm trọng vừa được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật thành công.

6 giờ phẫu thuật

Ngày 26/5, thông tin Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cắt túi phình động mạch chủ bụng, bắc hai cầu mạch máu bệnh nhân cao tuổi bị phình tắc động mạch chủ chậu và tắc động mạch đùi khoeo chân phải mạn tính nghiêm trọng.

Theo đó, bệnh nhân là ông L.A.K., 76 tuổi, ngụ Tp.Cà Mau, tỉnh Cà Mau được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 15h10 ngày 14/5 với tình trạng đau nhức hai chân khoảng 3 tuần, kèm theo đó mạch mu chân hai bên không bắt được. Tiền sử có tăng huyết áp - nhồi máu não cũ - hút thuốc lá.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính mạch máu có cản quang.

Bệnh nhân được nhập viện khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu. Qua thăm khám, các bác sĩ đã hội chẩn với chẩn đoán: Phình tắc động mạch chủ chậu hai bên kèm theo tắc đùi nông chân phải, đây là tổn thương phức tạp, có chỉ định phẫu thuật cắt túi phình động mạch chủ bụng và bắc cầu động mạch chủ đùi hai bên bằng ống ghép mạch máu nhân tạo…

Ca phẫu thuật thành công diễn ra suốt 6 giờ đồng hồ. Tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, mạch mu chân hai bên rõ, các ngón chân ấm cử động bình thường, sức khỏe ổn định và đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu.

Biến chứng nguy hiểm

Bs.CKII. Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu thông tin: Tắc động mạch chủ bụng - động mạch chậu mạn tính phần lớn do xơ vữa động mạch gây nên. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có thể đi kèm với bệnh lý xơ vữa mạch máu khác, đặc biệt là bệnh động mạch vành.

Tắc động mạch chủ bụng dưới thận và động mạch chậu mạn tính do xơ vữa là bệnh thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Phái nam gặp nhiều hơn phái nữ có lẽ do cách sống, tuổi thường gặp ở người già, điều này cũng đúng với quá trình diễn tiến xơ vữa động mạch.

Bệnh nhân hay có tiền căn bệnh lý đi kèm, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu.

Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật.

Do xơ vữa động mạch là một quá trình toàn thân, nên bệnh có thể đi kèm tắc các động mạch đầu xa của chi dưới. Vì vậy biểu hiện lâm sàng thay đổi với những mức độ thiếu máu nuôi chi khác nhau tùy thuộc mức độ lan tỏa của bệnh, vị trí tắc. Thông thường bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu khi nhập viện.

Tắc động mạch chủ chậu mạn tính nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Trong đó, thiếu máu chi dưới là tai biến thường gặp nhất.

Thiếu máu chi dưới có thể làm các chi bị hoại tử, người bệnh bị giảm khả năng đi lại, giảm khả năng lao động, thậm chí trở thành tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh nhân bị cắt cụt chi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/phau-thuat-thanh-cong-benh-nhan-phinh-tac-dong-mach-chu-nghiem-trong-a554330.html