Những 'chiến sĩ' thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

ngày 27/02/2020

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Toàn lực chống dịch

Làm nhiệm vụ tại khu vực “gác cổng” dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế TPHCM (Sở Y tế TPHCM) cho biết, TPHCM là nơi giao thương với nhiều nước, khách du lịch, người sang làm việc tại Việt Nam rất nhiều. Chính vì vậy, lực lượng tại các cửa khẩu luôn phải căng mình làm việc để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh có thể vô tình mang dịch bệnh vào thành phố. TPHCM hiện có 4 chốt Kiểm dịch y tế quốc tế gồm hai chốt đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một chốt đặt tại cảng Sài Gòn và một chốt đặt tại ga xe lửa.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nhớ lại: “Khi nhận được thông tin về dịch Covid-19, tất cả anh em đều phải hủy mọi lịch trình để tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch. Tất cả đều phải kiểm soát thân nhiệt 100% hành khách nhập cảnh, bao gồm cả các hành khách nước ngoài và người Việt Nam trở về từ các quốc gia khác cũng như vùng có dịch và triển khai tờ khai y tế. Nếu sức khỏe của hành khách bình thường thì chúng tôi bàn giao hồ sơ y tế về cho cơ quan y tế địa phương theo dõi chặt chẽ. Nếu hành khách có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, sẽ phải tiến hành các biện pháp cách ly kịp thời không để sót bất cứ người nào, không để lâm vào tình trạng khi họ đã về cộng đồng rồi lại không tìm ra nữa”.

Tối 28 Tết (ngày 22/1), có lẽ là buổi tối ngày giáp Tết khó quên nhất của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên nhiễm virus corona tại Việt Nam. Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, dù trước đó lịch nghỉ Tết, trực Tết đã được đơn vị phân công cụ thể, nhưng khi tiếp nhận 2 ca bệnh “đặc biệt” các y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đã gác lại những kế hoạch sum vầy gia đình, họ hàng cho ngày Tết, túc trực 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến lâm sàng của từng bệnh nhân cũng như hỗ trợ bệnh nhân từng bữa ăn, nước uống, từng nhu cầu cá nhân của bệnh nhân trong khu vực cách ly để người bệnh sớm hồi phục trở về với cuộc sống.

Đặc biệt, với bệnh nhân có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, từng đặt stent mạch vành, từng phẫu thuật ung thư phổi. Do đó quá trình điều trị bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ 4 khoa gồm Khoa Bệnh nhiệt đới, Tim mạch, Nội tiết, Hô hấp, phối hợp để lên phương án điều trị. Đội ngũ y tế phải tiến hành xét nghiệm bệnh nhân mỗi ngày để theo dõi diễn biến sức khỏe, phán đoán chuyện gì có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh lượng thuốc và phác đồ điều trị phù hợp với một người vừa suy giảm miễn dịch vừa nhiều bệnh như bệnh nhân Li Zing. Chỉ một thay đổi nhẹ cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả điều trị, bác sĩ Hùng cho biết thêm.

Gia đình bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19 trong ngày ra viện. Ảnh T.D

Vượt qua sợ hãi

Dịch bệnh Covid-19 làm nhiều người lo lắng, e ngại, nhưng những người được giao nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý, theo dõi cách ly các ca bệnh nghi nhiễm, dương tính với Covid-19 lại là những người tận tụy, xung phong ra tiền tuyến.

Điều dưỡng Trần Thị Hải tâm sự: “Đang chuẩn bị về quê ăn Tết thì tôi nhận được điện thoại “báo động đỏ” của lãnh đạo khoa, phải có mặt tại bệnh viện. Tôi chỉ kịp nhắn với người nhà là sẽ không nghỉ Tết và nhận nhiệm vụ luôn, mặc dù được thông báo sẽ phải chăm sóc những bệnh nhân đang nhiễm Covid-19 nguy hiểm. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, lúc đầu gia đình cũng có lo lắng, tuy nhiên đều ủng hộ công việc của tôi. Với sự động viên từ gia đình, sự nỗ lực, quyết tâm của đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân”.

Với sự đồng lòng của 28 nhân viên y tế cùng với quyết tâm cứu chữa bệnh nhân bằng tất cả những gì mình có của lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tạo nên kỳ tích. Sau 21 ngày điều trị, bệnh nhân người Trung Quốc Li Ding (60 tuổi)- người mắc bệnh nặng nhất trong tổng số 16 ca bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam, đã khỏi bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh.

Tại thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 16 trường hợp dương tính với Covid-19 và không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Đó là thành quả, là công sức của cả hệ thống chính trị nói chung và của các “chiến sĩ” trong ngành Y tế Việt Nam nói riêng.


Nguồn: Báo Hải Quan