Bỏ qua quy định của Bộ Y tế, nhiều quầy thuốc tại Hà Nội sẵn sàng bán thuốc kháng virus không cần đơn của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận F0.
Nắm bắt nhu cầu của người dân, cửa hàng thuốc công khai bán thuốc điều trị Covid-19 do Việt Nam sản xuất không cần giấy tờ chứng minh.
Mua thuốc trong một nốt nhạc
Trong vai người dân tìm mua thuốc điều trị Covid-19 cho gia đình, Zing đã khảo sát các nhà thuốc ở phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội).
Tại nhà thuốc V.A., PV hỏi mua thuốc kháng virus mà không có đơn của bác sĩ, giấy chứng nhận F0, nhân viên cửa hàng đã gợi ý mua hai hộp thuốc Molnupiravir 200 mg do Việt Nam sản xuất giá 260.000 đồng/hộp.
Nhà thuốc V.A. (Ngọc Khánh, Ba Đình) bán thuốc kháng virus không đơn. Ảnh: Minh Thúy.
Cũng bán thuốc không đơn, quầy thuốc Đ.A. tư vấn cho người dân mua thuốc kháng virus do Việt Nam sản xuất Movinavir 200 mg giá 480.000 đồng/liều, uống 5 ngày, thuốc Molnupiravir Stella 400 mg 280.000 đồng/hộp.
Đối diện Bệnh viện Bạch Mai, nhà thuốc P.V. (Phương Mai, Đống Đa) ban đầu e ngại, yêu cầu người mua xuất trình đơn thuốc của bác sĩ, giấy chứng nhận F0 hoặc ảnh, video chứng minh.
Tuy vậy, thấy khách hàng nài nỉ, nhân viên nhà thuốc đột ngột thay đổi thái độ nói: “Mua đi em. Người nhà test nhanh 2 vạch là mua được”.
Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg đề giá 250.000 đồng/hộp. Ảnh: Minh Thúy.
Theo lời người bán, thuốc Molnupiravir Stella 400 mg giá 240.000 đồng/hộp, Movinavir 200 mg 480.000 đồng/liệu trình 5 ngày cho người lớn trên 18 tuổi.
Cửa hàng thuốc P.M. nhiệt tình bán thuốc Molnupiravir do Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm sản xuất 250.000 đồng/hộp. Người mua không cần xuất trình đơn thuốc hay giấy xác nhận nhiễm SARS-CoV-2.
Nhà thuốc H.N. (Cầu Giấy) bán Molnupiravir Stella 400 mg 250.000 đồng/hộp, yêu cầu khách hàng phải có đơn của bác sĩ.
Quầy thuốc S.1. (Ngọc Khánh) đề giá thuốc Molnupiravir Stella 400 mg 250.000 đồng/hộp, Movinavir 200 mg liều cho một người giá 440.000 đồng.
Người mua muốn giá nào cũng có
Từ khảo sát trên, giá thuốc Molnupiravir dao động từ 240.000 đến gần 500.000 đồng/hộp. Đây là mức giá chung trên thị trường. Tuy nhiên, thuốc kháng virus quảng cáo trên mạng giá lên xuống thất thường.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ mua thuốc Molnupiravir, google cho ra hàng nghìn kết quả, trong đó website citynissan.vn bán thuốc Molravir 400 (250.000 đồng/hộp), Molnupiravir Stella 400 mg (290.000 đồng/hộp), liệu trình cho người lớn 20 viên uống 5 ngày, không cần đơn bác sĩ, giấy chứng nhận F0, chỉ bán từ 2 hộp trở lên.
Website quảng cáo bán thuốc kháng virus đặc hiệu không cần đơn thuốc, giấy chứng nhận F0. Ảnh: Minh Thúy.
Trên Facebook, tài khoản tên Molnupiravir toàn quốc bán thuốc Movinavir 200 mg 900.000 đồng/hộp, mua 5 hộp miễn phí ship, đặt cọc 100.000 đồng; mua 10 hộp giá thương lượng.
Chị H.N. (30 tuổi, ở Hà Nội, bán thuốc trên mạng) tiết lộ đang ôm lô hàng Molnupiravir nội địa bán lẻ 240.000 đồng/hộp, mua 5 hộp giá 215.000 đồng, 10 hộp 212.000 đồng, mua cả thùng được chiết khấu thêm chỉ 205.000 đồng/hộp.
Chị H.N. thông tin giá thuốc Molnupiravir theo số lượng. Ảnh: Minh Thúy.
Nhằm thỏa mãn nhu cầu của lái buôn, tài khoản T.M.H. còn quảng cáo găm hàng nghìn hộp thuốc Molravir 400 mg tại Hà Nội, giá 230.000 đồng/hộp.
Một tài khoản khác cũng bán loại thuốc trên giá 300.000 đồng/hộp. Người này nói do tình hình dịch phức tạp, F0 tăng, có người nhà bác sĩ nên lấy thuốc chuẩn.
Đăng tải bài viết trên nhóm kit test nhanh Covid-19 VN, Facebook N.N. quảng cáo thuốc Molravir giá 299.000 đồng/hộp 20 viên cho một liệu trình điều trị, giúp giảm tải lượng virus khi sử dụng trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, giảm nguy cơ trở nặng, tử vong.
Bác sĩ nói gì?
Khuyến cáo mới nhất của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhấn mạnh người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, giới hạn sử dụng, cảnh báo.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, người dân cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, xử trí kịp thời.
Cục Quản lý Dược lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ dùng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị.
Thuốc Molnupiravir là thuốc đang thử nghiệm cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn. Do đó, phụ nữ có thai cho con bú, trẻ em, thanh thiếu niên tuyệt đối không dùng thuốc vì gây ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh, sự phát triển của xương, sụn.
Nam giới uống Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), nhận định có tình trạng người dân không mua được thuốc tại quầy thuốc nên lên mạng đặt thuốc về nhà, không cần đơn của bác sĩ.
Theo chuyên gia này, để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục mua, bán thuốc, lưu tên, tuổi, số điện thoại người mua, cập nhật lên hệ thống, thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện vi phạm, tránh tình trạng “giám sát chặt nhà thuốc lớn nhưng bỏ qua quầy thuốc nhỏ”.
Người dân không nên dùng thuốc kháng virus để phòng bệnh. Nếu nhiễm nCoV phải có đơn của bác sĩ để mua thuốc, quay video test nhanh làm bằng chứng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay: "Trước khi uống thuốc kháng virus, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ".
Các loại thuốc rao bán trên mạng hiện nay quảng cáo trị Covid-19 không thể xác định được chất lượng. Còn thuốc chính hãng bán ở nhà thuốc chắc chắn đảm bảo.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm. Việc chỉ định thuốc kháng virus phải do thầy thuốc cân nhắc trên cơ sở lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ tiềm năng với bệnh nhân. Quá trình người bệnh dùng thuốc phải được giám sát bởi nhân viên y tế.
Nguồn: https://zingnews.vn/nha-thuoc-ngang-nhien-ban-thuoc-tri-covid-19-khong-can-don-post1304150.html
-
Cứu sống bệnh nhân suy đa cơ quan do uống thuốc dân gian để phòng COVID-19
-
Cách bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời
-
3 cách trị rạn da đơn giản không tốn tiền
-
4 học sinh phải hoãn tiêm vaccine COVID-19 vì những lý do này
-
Chạy bộ buổi sáng hay đi bộ buổi tối, phương pháp tập luyện nào tốt hơn? Sự thật có thể làm bạn bất ngờ
-
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona
-
Những việc không nên làm trước khi tắm, cần biết mà tránh kẻo nguy hiểm đến tính mạng
-
TikTok ở Mỹ lan truyền phương pháp phá thai phản khoa học
-
5 thực phẩm nên tích cực 'kết thân' để giúp tóc dày mượt, giảm 'tóc rụng như lá mùa thu'
-
Xu hướng làm đẹp và trang điểm mùa thu 2022