Nghiên cứu của Trung Quốc: Trẻ vị thành niên cần tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường

ngày 24/11/2021

Các nghiên cứu liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc khi tiêm cho trẻ em cho thấy, mặc dù tỷ lệ phản ứng phụ sau tiêm của vaccine bất hoạt khá thấp, nhưng sau 6 tháng mức kháng thể giảm mạnh.

Hiện nay, Trung Quốc đang tăng tốc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi và tiêm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi. Mục tiêu của nước này là phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác tiêm chủng đối với trẻ em trước cuối tháng 12 năm nay.

Thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc tăng tốc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ. Ảnh: Nhật báo Lan Châu.

Gần đây, 2 dữ liệu nghiên cứu mới đã tiết lộ thêm thông tin về vaccine Covid-19 bất hoạt của Trung Quốc. Trong số các loại vaccine được dùng cho trẻ em ở Argentina, so với các loại vaccine mRNA, vaccine bất hoạt của Sinopharm có tỷ lệ phản ứng phụ sau tiêm thấp hơn, chỉ ở mức 7,9/100.000. Trong khi nghiên cứu mới nhất về vaccine bất hoạt của Sinovac cho thấy, mức kháng thể của trẻ đã giảm đáng kể sau khi tiêm liều thứ hai được 6 tháng.

“Báo cáo an toàn vaccine cho trẻ em và vị thành niên” của Ủy ban an toàn vaccine quốc gia Argentina được Sinopharm công bố trên tài khoản WeChat chính thức ngày 18/11 cho thấy, cứ 100.000 trẻ em (3-11 tuổi) và thanh thiếu niên (12-17 tuổi) ở Argentina tiêm vaccine bất hoạt của Sinopharm, thì có 1,2 trường hợp bị phản ứng nặng.

Theo dữ liệu này, đã có tổng cộng 4.728.885 liều vaccine Covid-19 được tiêm cho trẻ em (3-11 tuổi) và thanh thiếu niên (12-17 tuổi) ở Argentina. Trong đó, vaccine của Sinopharm được sử dụng nhiều nhất với 1.932.165 liều và tỷ lệ các sự cố phản ứng phụ là 7,9/100.000. Trong khi đó, theo báo cáo, tỷ lệ phản ứng phụ của vaccine mRNA của Moderna và Pfizer lần lượt là 30,9/100.000 và 9,1/100.000.

Trong 153 trường hợp xảy ra các phản ứng phụ liên quan đến vaccine của Sinopharm trong nhóm trẻ từ 3-11 tuổi, độ tuổi trung bình là 7,5 tuổi và 50,3% là bé trai. Các phản ứng thường gặp nhất là dị ứng nhẹ và vừa, chủ yếu trên da, tiếp đó là phản ứng tại chỗ tiêm. Trong số các phản ứng nghiêm trọng có 3 vụ là ngẫu nhiên (không liên quan đến tiêm chủng), 1 vụ được xác định là chứng lo lắng khi tiêm chủng, các vụ còn lại vẫn đang được phân tích.

Cũng trong ngày 18/11, một kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine bất hoạt khi tiêm cho trẻ đã được công bố tại Hội nghị trao đổi học thuật quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu lâm sàng và ứng dụng vaccine bất hoạt Covid-19 do Sinovac tổ chức.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc về kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I/II và khả năng duy trì miễn dịch của vaccine bất hoạt Sinovac ở trẻ từ 3-17 tuổi, những người khỏe mạnh ở nhóm tuổi này đã cho thấy tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch tốt sau tiêm.

Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng sau khi tiêm liều vaccine thứ hai, tỷ lệ chuyển sang dương tính đối với kháng thể trung hòa và nồng độ kháng thể ở trẻ vị thành niên về cơ bản duy trì ổn định, nhưng sau 6 tháng mức độ kháng thể đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên cũng cần chủng ngừa liều thứ 3./.

Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/nghien-cuu-cua-trung-quoc-tre-vi-thanh-nien-can-tiem-lieu-vaccine-covid-19-tang-cuong-907147.vov