Những dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng sa sút trí tuệ

ngày 19/05/2021

.

Thèm ăn ngọt bất thường là một trong các biểu hiện sớm của chứng sa sút trí tuệ.

Thèm đồ ngọt

Theo Giáo sư thần kinh học Andrew E. Budson tại Ðại học Boston (Mỹ), thèm đồ ngọt có thể là dấu hiệu ban đầu của FTD, bởi dạng sa sút trí tuệ đặc biệt này thường biểu hiện qua những thay đổi trong sở thích ăn uống, mà điển hình là thèm ăn đồ ngọt. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy so với những người không bị bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh nhân FTD tiêu thụ đường và thực phẩm chứa tinh bột - đường nhiều hơn và dễ bị tăng cân nhanh hơn.

Ðáng chú ý, trong khi đa số bệnh nhân Alzheimer thường được chẩn đoán ở độ tuổi ngoài 60, các dấu hiệu của FTD thường xuất hiện sớm hơn nhiều. Theo chuyên gia Budson, đa số bệnh nhân FTD bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trong giai đoạn từ 45-65 tuổi, với khoảng 1/4 số người mắc được chẩn đoán sau 65 tuổi.

Những đổi khác về tính cách

Ngoài thèm đồ ngọt, bệnh nhân sa sút trí tuệ trán - thái dương còn có những thay đổi đáng chú ý về tính cách và hành vi. “Thân nhân và bạn bè của những người này thường mô tả họ cư xử giống như con người khác. Họ thường thể hiện những hành vi không phù hợp về mặt xã hội, đưa ra quyết định bốc đồng và hành động bất cẩn, cũng như thể hiện sự thiếu đồng cảm” - ông Budson nói thêm.

Ảnh hưởng năng lực hoạt động thường ngày

Giáo sư Budson cho biết biểu hiện mất hứng thú và động lực để làm bất cứ điều gì là chuyện rất phổ biến ở người bị sa sút trí tuệ. Ðáng ngại là trạng thái tâm lý đó có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nắm bắt công việc hoặc hoàn thành các nhiệm vụ hằng ngày. Tuy nhiên, do thói quen cá nhân của người bệnh có thể thay đổi mạnh, nên họ hầu như không nhận thức được những thay đổi đó của bản thân. Do vậy, chính gia đình hoặc bạn bè là những người cần chú ý đến những hành vi bất thường của người bệnh để khuyên họ đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe trí não.

Giao tiếp trực tuyến giúp người lớn tuổi cải thiện trí não

Ðây là kết luận vừa được các chuyên gia tại Ðại học Tây Luân Ðôn (Anh) đưa ra, sau khi nghiên cứu cách thức giao tiếp của hơn 11.400 người trên 50 tuổi, gồm cả nam lẫn nữ. Trong đó, các đối tượng được hỏi về tần suất mà họ tương tác trực tuyến với gia đình và bạn bè, cũng như hoàn thành bài kiểm tra trí nhớ trong đó yêu cầu họ nhớ lại 10 từ vựng trong các khoảng thời gian khác nhau.

Kết quả cuối cùng cho thấy những người chỉ sử dụng phương pháp giao tiếp “truyền thống, mặt đối mặt” có nhiều dấu hiệu suy giảm nhận thức hơn những người sử dụng thêm công nghệ giao tiếp trực tuyến để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Theo các tác giả, phát hiện này cho thấy những lợi ích của công nghệ trong việc giúp người lớn tuổi duy trì các mối quan hệ và vượt qua cảm giác cô lập xã hội trong giai đoạn cách ly để phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng giúp họ duy trì sức khỏe trí não.

Ðược biết, một nghiên cứu trước đó phát hiện suy nghĩ tiêu cực có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ khi lớn tuổi. Một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng thái độ thờ ơ, giảm động lực trong cuộc sống cũng có thể là nguyên nhân làm khởi phát chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.

Nguồn Cần Thơ