Nắng nóng, cảnh giác cao với bệnh viêm não Nhật Bản

ngày 22/05/2020

Đến hẹn lại... lo

Ngoài nỗi lo dịch Covid-19, thời điểm hiện tại các dịch bệnh truyền nhiễm mùa Hè vẫn đang rình rập tấn công sức khỏe người dân, đặc biệt là viêm não Nhật Bản với nhiều biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao do vậy người dân cần đề cao cảnh giác.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong hơn 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000- 1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20- 50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200- 300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa Hè. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi.

Viêm não Nhật Bản do virus gây ra, bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 15 tuổi, song người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh viêm não Nhật Bản khi trong cơ thể không có miễn dịch chống virus. Hơn thế nữa, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền do muỗi, vì vậy, mùa nắng nóng cộng thêm thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi nhất cho các loài muỗi phát triển nhanh.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản lây từ vật chủ này sang vật chủ khác và từ người bệnh sang người lành do muỗi Culex hút máu và truyền bệnh. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất vào mùa Hè, mùa mưa, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7, 8 (trùng với mùa vải nên có một số người hiểu sai cho rằng ăn vải có thể lây bệnh). Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối.

Thời kỳ ủ bệnh của viêm não Nhật Bản thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và không có biểu hiện gì khác thường. Trong 1- 2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức.

"Do viêm não cấp xuất hiện rất nhanh, dấu hiệu ban đầu là sốt cao lại rất giống với nhiều bệnh lý thông thường như: Cảm, sốt, đau đầu… nên nhiều phụ huynh không biết hoặc chủ quan. Nhiều bệnh nhi được dùng thuốc ở nhà, đến khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm não mới đưa tới bệnh viện thì bệnh đã nặng. Khi đó, bệnh nhi đã bị rối loạn tri giác, tính mạng bị đe dọa", Bác sỹ Lâm cho biêt thêm.

Cũng theo chuyên gia này, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong từ 10 đến 20% và di chứng cao ở trẻ nhỏ từ 25 đến 35%. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, ảnh hưởng đến nhận thức, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không lơ là tiêm chủng

Do bệnh xuất hiện và có thể gây ra biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao, do vậy các chuyên gia khuyến cáo, khi nghi ngờ bị viêm não cần cho trẻ bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt. Không nên tự chẩn đoán bệnh và không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có chuyên môn về y học. Nếu đưa người bệnh đến bệnh viện muộn sẽ rất khó khăn cho việc điều trị và nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh này cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và diệt muỗi là 2 biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả. "Một người, sau khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản sẽ có miễn dịch bền vững, vì vậy, nếu trẻ sau khi tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản là rất có lợi bởi vì sẽ có miễn dịch (kháng thể) chống lại virus viêm não Nhật Bản", lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương nêu.

Về phía Bộ Y tế, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, với bệnh viêm não Nhật Bản hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi. Nhờ thành quả của chiến dịch tiêm vắc xin, những năm qua, số lượng bệnh nhân viêm não Nhật Bản đã giảm đi hàng nghìn lần. Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh không được lơ là việc tiêm chủng.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng thông tin, trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản. Cụ thể, mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản.

Bên cạnh đó, theo ông Bắc, do đường lây bệnh là muỗi do vậy ngành Y tế sẽ tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh, sự nguy hiểm của muỗi lây truyền bệnh và phổ biến các biện pháp diệt muỗi trưởng thành và bọ gậy (lăng quăng) bằng mọi hình thức từ dân gian đến dùng hóa chất.

"Các biện pháp thường áp dụng diệt bọ gậy là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa; thả cá có khả năng ăn bọ gậy vào các chum, vai, lu đựng nước; đậy kín các chum, vại, lu đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày. Bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn. Cần tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn khi ngủ, dùng hương muỗi, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi, nhất là các địa phương đang có người mắc bệnh viêm não Nhật Bản hoặc đang có dịch viêm não Nhật Bản xảy ra", ông Bắc khuyến cáo.


Nguồn: Báo Hải Quan