Đột quỵ là gì?
Đột quỵ có thể được chia làm 3 dạng bao gồm:
- Loại thường gặp nhất là đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ thiếu máu não).
- Đột quỵ chảy máu não, là tình trạng mạch máu não vỡ ra và gây chảy máu trong não.
- Đột quỵ chảy máu dưới nhện.
Phát hiện đột quỵ sớm bằng cách nào?
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ khi nào. Hơn nữa, đột quỵ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm đột quỵ?
Nguyên nhân gây đột quỵ sớm ở người trẻ chủ yếu là do những bệnh lý di truyền như tim mạch hoặc tổn thương ở dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên, những tổn thương này có từ khi người bệnh còn nhỏ và trong cuộc sống hàng ngày không có biểu hiện gì ra ngoài.
Do vậy, để phát hiện sớm đột quỵ, chỉ có thể thông qua chụp mạch máu não và phát hiện dị dạng. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, khi chụp mạch máu não mới phát hiện ra dị dạng.
Vậy nên, để phát hiện sớm đột quỵ, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, thăm khám từ đó đánh giá nguy cơ đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ
Bên cạnh việc phát hiện sớm đột quỵ, chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen, lối sống sinh hoạt. Bởi một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ là tăng huyết áp do lối sống sinh hoạt thiếu khoa học. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng do cuộc sống nhiều áp lực, căng thẳng kết hợp với chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động.
Bên cạnh đó, có tới 71% những người sau đột quỵ sẽ mất/giảm sức lao động. Do vậy cần phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ bằng những phương pháp sau:
- Giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như nếu có bệnh lý đi kèm cần thăm khám định kỳ và sử dụng thuốc dự phòng đột quỵ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết đạt mục tiêu. Kiểm soát rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu) bởi đây là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tắc động mạch chi dưới, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức khỏe cho cơ thể và giúp giải tỏa áp lực tinh thần. Cần hạn chế căng thẳng, stress trong cuộc sống, công việc.
- Duy trì cân nặng lý tưởng, nếu béo phì thì cần giảm cân.
- Thực hiện lối sống ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh và lưu ý hạn chế ăn nhiều muối, ăn đồ ăn khiến cơ thể dư thừa chất béo.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu…
Trong trường hợp gặp bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ cần đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Bởi với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không áp dụng những phương pháp dân gian để sơ cứu người bị đột quỵ như: chích máu ở ráy tai, nặn máu ở các đầu ngón tay hay ngón chân, để bệnh nhân nằm bất động trong thời gian dài…. Những phương pháp này không chỉ không hiệu quả mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân đột quỵ.
Ngoài ra, người bệnh cần tỉnh táo trước những thông tin quảng cáo về thuốc chống đột quỵ. Hiện tại, trên thế giới chưa có nghiên cứu hay bằng chứng nào về việc sử dụng các loại thuốc này để dự phòng các vấn đề về đột quỵ. Hơn nữa các loại thuốc này còn có thể gây ra các vấn đề về rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan thận khiến việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ gặp nhiều khó khăn.
nguồn: suckhoedoisong