Nghiên cứu cho thấy sức khỏe của những bệnh nhân cùng lúc nhiễm COVID-19 và cúm lại ổn hơn, thay vì rủi ro hơn khi hệ miễn dịch phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu điều gì xảy ra khi cơ thể cùng lúc bị nhiễm COVID-19 và một bệnh truyền nhiễm khác.
Thật khó tin rằng vào tháng 3/2020, những hạn chế của xét nghiệm COVID-19 ở thành phố New York (Mỹ) lại đưa các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx đến sự ngạc nhiên thú vị.
Xét nghiệm COVID-19 vào thời điểm đó rất chậm, tốn kém và nguồn cung hạn chế. Các bệnh viện trên toàn thành phố bắt đầu quá tải. Vì vậy, các bác sĩ tại bệnh viện thường chỉ định một số xét nghiệm cho bệnh nhân, cố gắng xác định - hoặc loại trừ nghi ngờ - các bệnh nhiễm trùng khác có thể xảy ra.
Đầu tiên, họ loại trừ bệnh cúm và RSV (nhiễm virus hợp bào hô hấp, gây các bệnh viêm đường hô hấp). Sau đó, họ sẽ test COVID-19 và một loạt virus khác bằng cách sử dụng cùng một mẫu. Những gì các bác sĩ tìm thấy đã khiến họ bất ngờ. Trong thời gian hơn một tháng, các xét nghiệm cho thấy gần 5% bệnh nhân không chỉ bị COVID-19 mà còn bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác.
Lúc đầu, các bác sĩ lo lắng nhiều hơn cho những bệnh nhân này, những người có hệ miễn dịch đang phải chiến đấu cùng lúc hai mặt trận.
Tiến sĩ Sarah Baron, một bác sĩ tại Trung tâm Y tế Montefiore (Mỹ), cho biết: “Những gì chúng tôi phát hiện là những bệnh nhân bị COVID cộng với một bệnh nhiễm trùng khác, lại có tỷ lệ viêm trong cơ thể thấp hơn và ít có khả năng phải nhập viện hơn”.
Dữ liệu trong nghiên cứu nói trên cho thấy, sức khỏe của những bệnh nhân bị cùng lúc hơn một bệnh nhiễm trùng thực ra lại ổn hơn. Nhưng đó là một nghiên cứu nhỏ và hạn chế.
Tuy vậy nghiên cứu có thể cung cấp một góc nhìn để xem xét tình huống xảy ra khi một loại virus ngăn chặn tác động của một loại virus khác, và cho thấy thêm bằng chứng về cách hiện tượng này hoạt động. Việc tìm hiểu thêm về tương tác phức tạp giữa các virus trong cùng một vật chủ có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về các mô hình phức tạp của dịch bệnh.
Các biện pháp đeo khẩu trang, phong tỏa và các hạn chế khác đã làm chậm sự lây lan của nhiều loại virus phổ biến. Nhưng khi thế giới mở cửa lại và biến thể Omicron lan truyền nhanh chóng, các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách gỡ rối một số bí ẩn của những tương tác giữa các virus trong cùng vật chủ.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Thuật ngữ "flurona", đã lan truyền khắp mạng xã hội để chỉ tình trạng nhiễm cùng lúc cả COVID-19 và cúm, đang trở thành một vấn đề quan tâm với các nhà khoa học.
Khi ai đó bị nhiễm cùng lúc hai loại virus, sẽ có ba khả năng xảy ra về diễn tiến của bệnh. Sự tương tác giữa hai virus đó có thể gây ra ít hoặc không gây ảnh hưởng, hoặc các virus có thể tấn công đồng thời, gây ra nhiều thiệt hại hơn là chúng tấn công riêng lẻ.
Tiến sĩ Guy Boivin, một nhà virus học lâm sàng ở thành phố Quebec (Canada), cho biết đồng nhiễm có thể “dẫn đến gia tăng sự nhân lên của virus và tăng mức độ nghiêm trọng". Ông Boivin là đồng tác giả một bài đánh giá về sự can thiệp của virus tại Đại học Laval, được xuất bản trong tháng này trên một tạp chí của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Khả năng thứ ba khi bị đồng nhiễm có lẽ là dễ xảy ra nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu các đợt nhiễm virus xảy ra gần nhau về thời gian, có thể một ổ nhiễm trùng sẽ ngăn chặn ổ kia.
Các nhà khoa học cho rằng việc nhiễm virus đầu tiên khiến hệ miễn dịch của cơ thể bạn ở tình trạng cảnh giác cao độ, kích hoạt sự tiết ra một loại protein gọi là interferon. Đây là một phản ứng miễn dịch bẩm sinh được tổng quát hóa và không yêu cầu ký ức trước về kẻ xâm lược virus.
Ngay khi được tiết ra, các protein interferon bắt đầu một quá trình có thể ngăn không cho virus nhân lên, nghiên cứu cho thấy.
Tiến sĩ Foxman, nhà dịch tễ học tại Trường Y Yale, cho biết: “Nó sẽ tạo ra một trạng thái mà phản ứng chống virus của bạn được bật trong vài ngày, có thể là một tuần”. Khi đúng thời điểm, phản ứng interferon được kích hoạt bởi sự lây nhiễm virus ban đầu cũng có thể ngăn virus thứ hai tái tạo.
Một số virus có thể trì hoãn phản ứng với interferon, trong khi những virus khác dường như kích hoạt nó gần như ngay lập tức.
Tiêm phòng COVID-19 cho người dân ở Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã biết về hiện tượng "virus can thiệp" từ những năm 1960, khi một nhóm các nhà khoa học Liên Xô nhận thấy rằng vaccine sống chống lại bệnh bại liệt và các virus đường ruột khác dường như cũng bảo vệ khỏi các bệnh hô hấp do virus không liên quan như cúm.
Nghiên cứu sâu hơn đã ghi nhận nhiều tương tác có thể có giữa virus này với virus khác, một số được thử nghiệm trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm và một số khác được quan sát thấy trong các mô hình bùng phát dịch bệnh.
Một số nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng "virus can thiệp" đã làm thay đổi thời gian lây lan của bệnh cúm H1N1 trên khắp châu Âu vào mùa đông năm 2009. Cụ thể, rhinovirus (virus gây cảm lạnh) có thể đã trì hoãn đại dịch H1N1 ở Pháp vài tuần.
Nghiên cứu khác cho thấy rằng các đợt bùng phát cúm dường như làm giảm tỷ lệ phát hiện RSV (virus gây các bệnh viêm đường hô hấp). Nghiên cứu của Tiến sĩ Foxman cho thấy, một ca nhiễm cảm lạnh thông thường do rhinovirus có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus gây COVID-19. Theo ông, rhinovirus xuất hiện rộng rãi, tương đối lành tính với hầu hết mọi người và tạo ra phản ứng kích hoạt interferon (chất ngăn virus nhân bản) gần như ngay lập tức.
Tiến sĩ Foxman cho biết mọi người không nền tìm cách nhiễm cảm lạnh để tránh COVID-19. Nhưng tìm hiểu thêm về đồng nhiễm virus, hay sự can thiệp của virus, có thể giúp chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-giai-loi-ich-bat-ngo-khi-mac-florina-dong-nhiem-cum-va-covid-20220126090104120.htm
-
Làm thế nào để da bớt xấu khi dùng điện thoại nhiều?
-
Vì sao vải linen luôn được ưa chuộng trong mùa hè?
-
Phát hiện mới: Vaccine Pfizer giảm hiệu quả miễn dịch trước biến thể Omicron
-
Lợi ích tuyệt vời từ vỏ bưởi
-
6 lầm tưởng phổ biến liên quan đến chứng sa sút trí tuệ
-
Australia phong tỏa bang Victoria
-
Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
-
Đồng Tháp họp khẩn khi phát hiện 4 ca mắc Covid-19 về từ Anh
-
Sáng 3/8: Thêm 1.998 ca mắc Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã hơn 100.500 ca
-
Israel phát minh thiết bị thử máu không cần kim tiêm lấy mẫu