Hàng loạt rủi ro cho mẹ và bé nếu sinh con ở tuổi mãn kinh

ngày 28/09/2022

Cụ bà 63 tuổi ở Thanh Hóa mất kinh hơn 10 năm, tử cung, buồng trứng teo, niêm mạc tử cung mỏng nhưng sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm đã sinh hạ bé trai kháu khỉnh. Chuyên gia y tế nói gì về trường hợp hi hữu này?

Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm đào tạo Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học, BV Phụ sản Hà Nội.

- Sau 45 tuổi, khả năng mang thai tự nhiên ở phụ nữ không cao và các bác sĩ luôn khuyến cáo muốn có con cần phải được can thiệp, theo dõi sát sao. Vậy những "rào cản" nào khiến họ khó có con, thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Cảnh Chương: Độ tuổi sinh sản của phụ nữ tính từ tuổi 15 đến 44. Sau độ tuổi 35, đặc biệt sau 45 tuổi, cơ quan sinh sản và sức khỏe toàn diện của người phụ nữ không còn sẵn sàng cho việc thụ thai, mang thai và sinh nở. Bởi vì, chức năng buồng trứng suy, số lượng trứng có khả năng thụ thai rất thấp. Tỷ lệ rối loạn phân bào cao dẫn đến nguy cơ bất thường di truyền cao cho thai nhi.

TS. Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm đào tạo Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học, BV Phụ sản Hà Nội.

Hơn nữa phụ nữ lớn tuổi cũng gặp các vấn đề phụ khoa ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thai nghén như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ… cũng tăng hơn.

Những rào cản này khiến chị em dù có thể thụ thai nhưng có nguy cơ cao sinh ra trẻ bất thường hình thái và chức năng.

Tuy nhiên ngày nay, do sự tiến bộ của nền y học, phụ nữ trên 50 tuổi, thậm chí như cụ bà 63 tuổi đã đề cập ở trên vẫn có thể thụ thai, sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sử dụng trứng hiến tặng, hoặc sử dụng trứng của chính mình đã đông lạnh...

- Để phụ nữ cao tuổi sinh con được khỏe mạnh, các thai phụ cần phải làm gì thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Cảnh Chương: Đối với phụ nữ lớn tuổi muốn có thai, sinh đẻ thì cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, giám sát chặt chẽ. Thai phụ sẽ được khám, xét nghiệm tiền sản theo định kỳ, đó là: theo dõi lâm sàng, xét nghiệm glucose sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ, xét nghiệm sàng lọc sinh hóa, sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể không xâm lấn (NIPT), sinh thiết gai nhau (CVS), xét nghiệm dịch ối sớm để loại trừ hội chứng Down và các bất thường di truyền khác…

Bên cạnh đó, nếu có thai cần siêu âm định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng của em bé, sinh non, trẻ nhẹ cân, và một số biến chứng thai kỳ khác phổ biến hơn ở các bà mẹ tương lai lớn tuổi.

- Thưa bác sĩ, những rủi ro nào mà người mẹ và thai nhi có thể gặp phải khi mang thai ở tuổi mãn kinh?

TS.BS. Nguyễn Cảnh Chương: Khi tuổi của thai phụ càng lớn, các nguy cơ gặp phải trong thai kỳ cũng tăng theo. So với phụ nữ trẻ tuổi, người phụ nữ từ sau tuổi 35 có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn nếu mang thai, bao gồm:

Khi thụ tinh trong ống nghiệm có thể gặp phải tình trạng mang đa thai (mang từ 2 thai trở lên). Điều này có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó;
Thai chết lưu hoặc sẩy thai.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ, từ đó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cho cả mẹ và bé;
Phụ nữ lớn tuổi thường không đủ sức để sinh thường mà phải sinh mổ;
Tiền sản giật: Đây là một trong những nguy cơ có thể gặp phải khi mang thai ở tuổi mãn kinh. Nếu được chẩn đoán bị huyết áp cao trong thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi và cho bạn dùng thuốc để ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai.
Dễ mắc phải tình trạng rau tiền đạo (placenta praevia), hiện tượng này có thể gây chảy máu và cần phải được điều trị bằng thuốc.

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và quá trình mang thai, em bé sinh ra từ những bà mẹ mang thai khi đã mãn kinh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như:

Sinh non hoặc nhẹ cân;
Nguy cơ mắc phải các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật cơ xương hoặc các bệnh liên quan đến phổi hoặc tim mạch. Tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở những trường hợp này thường rất cao, vì vậy các mẹ cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán sàng lọc trước sinh để phát hiện dị tật bẩm sinh ở trẻ và xem xét liệu mình có nên giữ lại thai hay không;
Trẻ dễ bị chậm phát triển hoặc gặp các vấn đề về nhận thức.

Mang thai là một giai đoạn quan trọng, đòi hỏi các mẹ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Ảnh minh họa

- Tuy vậy, khi đã có thai rồi thì phụ nữ tuổi mãn kinh cần chuẩn bị gì cho quá trình mang thai để mẹ khỏe, con khỏe, thưa bác sĩ?

TS. BS. Nguyễn Cảnh Chương: Mang thai là một giai đoạn quan trọng và đòi hỏi các mẹ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Đặc biệt những phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và chuyển dạ hơn người bình thường, vì vậy, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có một thai kỳ an toàn.

Bạn có thể thực hiện những việc sau đây để tăng khả năng thụ thai và giảm thiểu rủi ro khi mang thai ở tuổi mãn kinh:

- Trước khi nghĩ đến việc mang thai, điều đầu tiên bạn cần làm là đảm bảo sức khỏe của bản thân. Ba tháng trước thời gian dự định có thai, hãy uống bổ sung vitamin và axit folic. Bạn cũng có thể bắt đầu dùng thêm vitamin D và canxi, các chất này rất quan trọng trong việc hình thành xương, răng và đảm bảo sự phát triển của thai nhi.

- Cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng từ 18,5 – 24,9% trước khi muốn mang thai. Béo phì là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thai kỳ của bạn, đặc biệt là đối với phụ nữ đã mãn kinh.

Bạn nên cân nhắc chế độ ăn nhiều protein và giảm lượng calo tiêu thụ để đảm bảo cân nặng và chỉ số BMI phù hợp. Tránh dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và các thực phẩm đóng hộp.

- Bạn cần phải đến gặp bác sĩ để thực hiện một số xét nghiệm như chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm PAP, hemoglobin, lipid, xét nghiệm tìm ra các bệnh lây qua đường tình dục và đái tháo đường… Những xét nghiệm này rất hữu ích trong việc tìm ra các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bạn.

Nguồn: suckhoedoisong.vn