Hồi tháng 1, diễn viên hài Giang còi được chẩn đoán ung thư hạ họng giai đoạn 3. Bác sĩ nói khối u của anh đã di căn, chỉ còn sống được khoảng 2 năm. Anh từ chối truyền hóa chất vì sợ cơ thể biến dạng. Anh muốn để lại hình ảnh khỏe mạnh trong lòng khán giả, "tôi thà chết trên trường quay chứ không muốn chết trên giường bệnh", nghệ sĩ Giang còi nói với phóng viên.
Từ chối điều trị hóa chất, nghệ sĩ Giang còi tìm đến liệu pháp châm cứu kết hợp dùng một số loại thuốc. Điều này giúp anh được ở nhà gần các con, chăm sóc vườn cây rộng 10.000 m2 của gia đình và thỉnh thoảng lái xe rong ruổi cùng bạn bè.
Gần đây, anh bị xuất huyết dạ dày và phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Nghệ sĩ Trà My, bạn thân của Giang còi từng nhiều lần khuyên anh phải nhập viện điều trị, không nên lo nghĩ quá nhiều nhưng không xoay chuyển được quyết định của đồng nghiệp.
Trong một lần trò chuyện cùng phóng viên, nghệ sĩ Giang còi tâm sự rằng mắc ung thư là "án tử", trước sau gì cũng chết. Chữa trị chỉ để kéo dài thêm ngày nào hay ngày đó thì cũng không để làm gì cả. Bản thân anh là người lạc quan, coi nhẹ cái chết vì "sống đến tầm này rồi thì còn gì để mà phải luyến tiếc".
Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người băn khoăn, liệu "cứ ung thư là chết" thì có nên tiếp tục chữa trị hay chọn cách "nói không" như nghệ sĩ Giang còi?
Mang câu hỏi này hỏi Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Hoàng Đình Chân – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực Bệnh viện K, ông cho biết: "Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư, sau khi kết luận rằng bệnh nhân đang ở giai đoạn nào của bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn với bệnh nhân để chia sẻ thêm về tình hình bệnh và các phương hướng điều trị hiệu quả. Trong khi hội chẩn, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm mà đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ví dụ: Ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ thì bác sĩ sẽ đặt vấn đề phẫu thuật lên hàng đầu (trừ những bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật thì sẽ không phẫu thuật). Sau khi phẫu thuật, nếu bệnh phát triển thì các bác sĩ sẽ bổ sung thêm xạ trị. Sau giai đoạn phẫu thuật và xạ trị mà bệnh tình của bệnh nhân vẫn không có tiến triển tốt thì phải tiếp tục điều trị kết hợp bằng hóa trị.
Tuy nhiên, có tiếp tục chữa trị hay dừng lại là nằm ở quyền quyết định của bệnh nhân. Các bác sĩ chỉ đưa ra chẩn đoán, phác đồ điều trị và những lời khuyên với người bệnh, khuyên họ đừng nên lo lắng quá, hãy yên tâm điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Việc đó sẽ giúp cho người bệnh có thêm cơ hội và khả năng chữa trị bệnh lý, kéo dài thêm thời gian cho họ.
Là một trong những bác sĩ từng điều trị cho nghệ sĩ Giang còi ở giai đoạn đầu phát hiện bệnh, TS.BS Hoàng Đình Chân cho biết: "Bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn 3, đã di căn sang cơ quan lân cận. Có một vài nốt ở phổi chứ không chỉ là ung thư ở hạ họng nữa. Chúng tôi có chỉ định về việc phẫu thuật ngay ở thanh quản nhưng rất hạn chế, phải quan tâm đến việc phục hồi dây thanh quản để họ có thể phát âm và nói bình thường.
Chúng tôi cũng trao đổi với anh ấy về việc có nên mổ hay không mổ, trước khi mổ có thể làm xạ trị trước hoặc hóa trị trước để tiến triển của bệnh phát triển chậm lại. Sau đó bệnh nhân quyết định không điều trị ở bênh viện chúng tôi. Một thời gian sau, anh Giang bị vỡ dây thực quản và ra máu khá nhiều, phải đến Bạch Mai để điều trị. Hiện nay, có nhiều người chấp nhận điều trị nhưng có nhiều người không chấp nhận. Đó hoàn toàn là quyết định của bệnh nhân".
PGS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K cho biết, có một số định kiến sai lệch về bệnh ung thư khiến giảm cơ hội điều trị tốt cho bệnh nhân. Định kiến sai lầm phổ biến nhất là mắc bệnh ung thư thì đương nhiên là mang bản án tử hình. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan, buông bỏ và không tuân thủ điều trị. Thực tế với các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài cuộc sống thêm đáng kể. Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Hiện tại, BV K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm…